Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Trên 26.000 tỷ đồng 'nằm kho', vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xác định hạ tầng là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất, từ đầu năm 2019 Trung ương giao kế hoạch đầu tư công cho TPHCM hơn 37.389 tỷ đồng, trong đó 34.619 tỷ đồng cân đối từ ngân sách địa phương nhưng suốt 6 tháng qua, tổng vốn giải ngân chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 18,8% kế hoạch Trung ương đã giao.

 



Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, năm 2019, Trung ương giao kế hoạch đầu tư công cho TPHCM hơn 37.389 tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 34.619 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 1.969 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương 800 tỷ đồng. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, UBND TPHCM giao kế hoạch đầu tư công năm 2019 là 33.771 tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố là 31.002, vốn ngân sách Trung ương 1.969 tỷ và vốn ODA cấp phát 800 tỷ đồng.

Dự án tuyến metro số 1 bị ngưng giải ngân vốn đầu tư nhiều năm qua do đang làm thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng vốn đầu tư



Tổng số vốn trên được phân bổ cho 1.804 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án chuyển tiếp (890 dự án), dự án khởi công xây mới (360 dự án) và dự án chuẩn bị đầu tư (439 dự án). Ngay từ đầu năm, TPHCM đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vốn Trung ương của từng dự án đạt ít nhất 95% trở lên. Tuy nhiên, tính đến 30/6, tổng số vốn đã giải ngân là 7.032 tỷ đồng, mới đạt 20,8% tổng kế hoạch do UBND TP giao và đạt 18,8% so với kế hoạch của Trung ương, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết các năm trước giao nhiều đợt, đợt 1 giao khoảng 70% dự toán, đợt 2, 3 bổ sung vốn để cuối năm đạt 100% dự toán. Tuy nhiên, năm 2019, thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TPHCM giao 100% dự toán ngay từ đầu năm. Dù giá trị vốn giải ngân cao hơn nhưng tỷ lệ lại thấp hơn.

Người đứng đầu Sở KHĐT cho rằng tỷ lệ giải ngân chưa cao do từ đầu năm UBND TP đã giao kế hoạch vốn cho 120 dự án bồi thường hoặc có thực hiện công tác bồi thường với tổng vốn 4.215 tỷ đồng (chiếm 15% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp quỹ đất, đơn giá bồi thường… dẫn tới tình trạng chậm, kéo dài. Đơn cử như các dự án tàu điện ngầm (metro). Dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chưa được phê duyệt điều chỉnh và gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý...

Trao đổi với Tiền Phong chiều 24/7, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Sở GTVT cho biết trong 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân của Sở GTVT đạt 42,80%, trong đó nguồn vốn duy tu, thuê bao, kiến thiết thị chính giải ngân đạt 36,64%, đầu tư xây dựng cơ bản tập trung mới đạt 29,8%.

Chế tài chưa đủ mạnh

Tại hội nghị tổng kết về đầu tư công vừa diễn ra, lãnh đạo nhiều sở ban ngành địa phương đã chỉ ra “điểm nghẽn” lớn nhất dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện các dự án giao thông là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, với chi phí thường chiếm trên 50% tổng mức đầu tư dự án. Vì vậy, ông Lâm cho rằng TPHCM cần sớm ban hành quy trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để làm cơ sở xác lập kế hoạch, tiến độ triển khai đối với dự án có giải phóng mặt bằng. “Nếu đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng thuận chính sách bồi thường, TPHCM nên cho tạm ứng vốn nhanh đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất”, ông Lâm kiến nghị.

Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho rằng có một thực tế là giá bồi thường quá chênh lệch với giá thị trường nên không ít trường hợp người dân đã nhận 70% tiền nhưng không bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ có những giải pháp để cùng các sở, ngành và địa phương nỗ lực tháo gỡ. Đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, TPHCM đang đề xuất trung ương rút ngắn thời gian thực hiện nhưng chưa được duyệt. Đây là khó khăn chung và TPHCM buộc phải chờ đợi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chậm giải ngân vốn. “Thành Đoàn TPHCM giải ngân đến 90% vốn đầu tư công nhưng có nhiều đơn vị không giải ngân được phần vốn nào. Các đơn vị phải xem lại có phải do trình độ quản lý của mình kém, chưa tốt hay không”, ông Phong đặt vấn đề.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nói tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do người đứng đầu một số cơ quan chưa quan tâm đến công tác quản lý dự án, giao hẳn cho cấp phó và thiếu đôn đốc, giám sát, dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài. “Đó là trách nhiệm của người đứng đầu và chủ đầu tư dự án. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đến 31/7, nếu giải ngân dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan. Đến cuối năm 2019, giải ngân dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm. Cái này chắc chắn sắp tới thành phố phải thực hiện”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Huy Thịnh (TPO)

Có thể bạn quan tâm