TN - Đất & Người

Trên quê hương Ia Pia Anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyyện đánh Mỹ, chuyện đất và người thời nay từ lời kể của người dân xã Ia Pia (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã “vỡ” ra một điều: Vì sao Ia Pia được mệnh danh vùng đất làm nên những huyền thoại.

68 tuổi, đôi chân của  già Rơ Lan Dơm (làng Ngó) vẫn thoăn thoắt trên con đường gập ghềnh từ nhà đến rẫy. Cảm giác đạp đôi chân trần lên đồi đất mát rượi, đôi tay nâng nhành bông cà phê, tiêu, bắp lai cho nông dân cuộc sống ấm no luôn quấn lấy tâm trí ông. Ông say sưa lặng nhìn những bông hoa mang lại sự sống khá giả nở rộ trên triền đồi, trên mảnh vườn, một thời hứng chịu đạn bom. Lặng lẽ nâng niu sự hồi sinh của đất, ông lại nhớ khí tiết anh hùng của đất và người Ia Pia thời đánh Mỹ; nhớ hình ảnh người đồng chí- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Klơng. Sâu thẳm trong ký ức của ông vẫn còn nguyên vẹn cảnh già, trẻ, trai, gái vót chông dưới cánh rừng. Những cây chông mang khát vọng tự do của người dân bị áp bức, bí mật cắm quanh đồn Plei Me. Tiếng súng du kích làng bất ngờ nã vào quân địch. Địch đánh trả. Du kích rút vào rừng. Địch đuổi theo giẫm phải hầm chông.

Nhà rông của người Jrai. Ảnh: V.D
Nhà rông của người Jrai. Ảnh: V.D

Nhân dân chung tay sản xuất lương thực nuôi mình, nuôi quân; hình thành thế trận mỗi tấc đất, mỗi người dân là một cơ sở cách mạng; dựng lên bức thành đồng vững chãi góp phần cùng quân chủ lực, tiêu diệt đồn Plei Me, viết lên câu chuyện huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trên mảnh đất Ia Pia một thời đạn bom cày xéo bây giờ thảm xanh bao bọc, khắc họa bức tranh kinh tế khởi sắc. Ông Nay Thư- người làng Hek nói như đinh đóng cột: Chỉ vài năm nữa, Ia Pia sẽ trở thành vùng đất ra ngõ gặp… tỉ phú. Niềm tin của ông Hek bắt nguồn từ thành quả của công cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hơn 10 năm qua.

Hơn 10 năm trước, lúa rẫy, mì, bắp địa phương, lúa nước không kham nổi nhu cầu lương thực tại chỗ cho dân. Còn bây giờ, đất đồi xanh ngút ngàn, cây hàng hóa cho năng suất cao, nông phẩm không đủ cung ứng thị trường tiêu thụ. Khởi đầu là chủ trương di dời làng đồng bào dân tộc Jrai dưới tán rừng ra định cư ven trục đường liên huyện, liên xã. Rồi giải quyết đất sản xuất ổn định cho dân. Người Kinh từ các tỉnh, thành tìm đến đất lành Ia Pia lập nghiệp hỗ trợ đồng bào tại chỗ kinh nghiệm, kiến thức. Rồi Nông trường Cà phê Chư Prông nhận 152 lao động người Jrai làm công nhân. Họ tiếp tục là những tuyên truyền viên nhân rộng kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho các gia đình. Tình đoàn kết giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh được phát huy. Cung cách làm nông tiến bộ, dùng cơ giới thay sức người, nhân rộng phong trào chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng đã mang lại hiệu quả to lớn.

Ngoảnh lại thấy những quả đồi lúa rẫy, mì, bắp địa phương đã dạt vào miền ký ức. Trước mắt là 737 ha hồ tiêu, cà phê, cao su tiểu điền, 1.262 ha bắp lai... Cây trồng gặp nguồn nước suối Tô hiếm khi khô cạn. Hệ thống suối nhỏ, giếng đào giúp cà phê xanh tốt bời bời. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Pia- Võ Văn Đạo khẳng định: Trong tổng số 1.124 hộ của xã, đồng bào Jrai chiếm gần 50% đều tận dụng hết quỹ đất trồng tiêu, cà phê, bắp lai. Lợi ích kinh tế các loại cây trồng dài ngày giúp 250 gia đình thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm; mức thu 70-100 triệu đồng khá phổ biến. Con đường đưa người dân tiếp tục giàu lên rộng mở theo định hướng chuyển dịch toàn bộ diện tích đất trồng cây ngắn ngày sang trồng cao su tiểu điền; tiến tới xây dựng vùng chuyên canh các loại cây trồng dài ngày giá trị kinh tế cao.

Ia Pia Anh hùng, khởi sắc. Người dân gắn bó với đất, với làng cảm nhận rõ ràng thành quả đánh vật với đất làm cuộc đổi đời hiện diện ngay trong nếp sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình. Nhà xây, xe máy, xe công nông, ti vi, tủ lạnh… không còn là niềm mơ ước xa xôi. Đêm, ánh điện bật sáng, nhịp sống của làng trỗi dậy từ dòng người và xe xuôi ngược trên tỉnh lộ 665; tiếng nhạc từ hàng quán; trai gái làng điện thoại hò hẹn trao tình tô điểm bức tranh nông thôn đang hòa vào nhịp sống hiện đại. Bên cạnh đó, vẫn còn đó tiếng kẽo kẹt từ khung dệt thổ cẩm; lễ hội mừng lúa mới, bỏ mả, rượu cần, ngân vang cồng chiêng.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm