Hơi thở Gen Z

Tips học tập

Tréo ngoe điểm chuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, dư luận bất ngờ vì một số ngành đào tạo của trường đại học (ĐH) có điểm chuẩn ở mức “ngã ngửa”.

Ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Thủy lợi năm 2024 ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là ngành Luật Kinh tế, 26,62/30 điểm. Ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội mất ngôi vương sau hàng chục năm thống trị vì điểm chuẩn ngành Tâm lí học (bắt đầu tuyển sinh từ năm nay) có điểm chuẩn cao nhất, 28,83/30 điểm.

Trong khi ngành Y khoa có điểm chuẩn giữ vị trí á khoa là 28,27/30 điểm (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 26,55/30 điểm (phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế).

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội với truyền thống đào tạo các ngành về Kiến trúc, Xây dựng nhưng điểm chuẩn năm nay cao nhất là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng 24,8/30 điểm.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 để xét tuyển. Ảnh: Trọng Quân
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 để xét tuyển. Ảnh: Trọng Quân

Điểm chuẩn một số ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dâng cao đến bất ngờ. Thậm chí, một số ngành sư phạm của trường tưởng “ế” nhưng năm nay điểm chuẩn cũng vọt lên khá cao như Giáo dục Quốc phòng và An ninh 28,26/30 điểm, Giáo dục đặc biệt 28,37/30 điểm cao hơn điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán 27,68/30 điểm.

Ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, giữ ngôi vương năm nay về điểm chuẩn xét kết quả thi tốt nghiệp không phải là ngành Kinh tế Quốc tế, Marketing hay Thương mại điện tử mà là ngành Quan hệ Công chúng.

Nhìn vào bức tranh điểm chuẩn năm nay có thể thấy, tất cả các nhóm ngành hot những năm trước như Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo hay Kinh tế đều mất ngôi so với những ngành Khoa học Xã hội như Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Báo chí…

TS Lê Trường Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT nên “thổi còi” khi các trường đưa ra phương thức có yếu tố không công bằng.

Việc điểm chuẩn những ngành này cao cũng đã được dự báo khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm 5 tổ hợp xét tuyển ĐH truyền thống là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh) và C00. Trong đó, số lượng thí sinh đạt điểm cao tổ hợp C00 tăng vọt vì điểm thi môn Ngữ văn năm nay cao gần đến mức bất thường trong lịch sử thi cử Việt Nam.

Số thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên ở tổ hợp C00 năm nay cao gấp 3,8 lần năm 2023 và gần 2,7 lần năm 2022. Ở mức điểm từ 27 điểm, năm nay có gần 29 nghìn thí sinh đạt, cao gấp 11 lần năm 2023 và 6,8 lần năm 2022.

Ở mốc điểm 28 thì năm nay tăng gấp10 năm ngoái. Ở mốc điểm từ 29,25 điểm trở lên, năm nay cả nước có 380 em, năm ngoái chỉ có 7 em.

Bộ nên tuýt còi

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM phân tích với việc xét tuyển sớm các phương thức như học bạ, đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ khi không có hệ thống lọc ảo chung nên đa số các trường ĐH đều xác định số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp 3-5 lần so với chỉ tiêu nên chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít, đẩy điểm chuẩn lên rất cao. Điều này tạo ra sự bất công trong tuyển sinh khi đa số các em học sinh ở các vùng khó khăn (chủ yếu dựa vào điểm thi THPT) không có cơ hội vào ĐH vì không có điều kiện thi đánh giá năng lực hoặc lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Khi tham gia giảng dạy, ông Dũng nhận thấy chất lượng đầu vào khá chênh lệch. Sinh viên trúng tuyển theo phương thức học bạ dù trúng tuyển với điểm rất cao nhưng năng lực rất yếu, gây khó cho giảng viên khi trình độ sinh viên trong lớp quá chênh lệch.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, thực tế, thí sinh thi đạt điểm cao trượt nhưng những thí sinh có thể có điểm thi thấp hơn vẫn trúng tuyển vào trường bằng các phương thức xét tuyển khác, ví dụ như theo điểm thi đánh giá năng lực, theo điểm các chứng chỉ quốc tế, theo điểm học bạ...

Ông cho rằng để làm rõ bức tranh tuyển sinh, các trường khi công bố điểm trúng tuyển theo phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, cần công bố chỉ tiêu được dành cho phương thức này. Nguyên tắc tuyển sinh cũng đã được Bộ GD&ĐT quy định là các trường ĐH được tự chủ, nhưng phải đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh.

Tính công bằng chỉ bị ảnh hưởng nếu trường ĐH đưa ra phương thức không bình đẳng với mọi thí sinh, ví dụ như tổ chức thi đánh giá năng lực chỉ ở Hà Nội chẳng hạn, khi đó việc tham gia dự thi của các em xa Hà Nội sẽ khó khăn hơn trong việc đi lại so với các em ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội. Hoặc tuyển sinh theo điểm thi SAT, các em vùng sâu vùng xa thì thi SAT ở đâu?

Các trường khi đưa ra một phương thức tuyển sinh cần xem phương thức đó có bình đẳng với tất cả thí sinh hay không, và Bộ cũng nên “thổi còi” khi các trường đưa ra phương thức có yếu tố không công bằng.

Theo NGHIÊM HUÊ (TPO)

Có thể bạn quan tâm