Xã hội

Từ thiện

Trích lương hưu làm từ thiện để cám ơn cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lương hưu mỗi tháng 4 triệu đồng, cô dành ra 500 ngàn đồng để giúp đỡ người nghèo, người bị nạn… Thói quen giúp đỡ, chia sẻ với cộng đồng có được từ thời gian 13 năm cô làm công nhân và hơn 10 năm làm cán bộ Công đoàn. Cô làm từ thiện như là cách cảm ơn cuộc đời!

 

Cô Kim Ngân tự hào với Huân chương Kháng chiến được Nhà nước trao tặng. Ảnh: K.Q




Ngày lĩnh lương hưu, gặp ai khó khăn tặng 500 nghìn đồng

Sống cùng khu phố với tôi, thỉnh thoảng, đôi ba tháng 1 lần, cô Vũ Thị Kim Ngân (77 tuổi, ngụ khu phố 2, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại tìm gặp tôi và trao 500 ngàn đồng nhờ tôi làm từ thiện. Cô nói, vì tôi là nhà báo, đi đó đi đây nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, người bị hoạn nạn, nên cô nhờ tôi giúp đỡ họ.

Lương hưu của cô mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, cô đã lớn tuổi, ăn uống chẳng bao nhiêu, sức khỏe đã có BHXH lo, các con cũng đã thành đạt, nên cô dành ra 500 ngàn đồng giúp người khó khăn hơn mình. Cô nói, tôi cứ cầm tiền, rồi thấy ai cần giúp thì trao, không cần báo lại cho cô.

Thói quen trích lương hưu làm từ thiện của cô Ngân có từ hơn 10 năm qua, từ khi các con cô đều đã ổn định cuộc sống, thành đạt. Cách làm của cô là, vào ngày lãnh lương, gặp bất kỳ ai khó khăn (người bán vé số, mua phế liệu…) là cô dành ra 500 ngàn đồng tặng họ. Nếu không gặp được người như thế, cô tìm xem trong khu phố nơi mình sinh sống ai nghèo khó thì đem tiền đến tặng, đúng 500 ngàn đồng. Có những lần, gặp người quá khó khăn, cần cô giúp số tiền nhiều hơn, lên tới vài triệu đồng. Cô cũng giúp họ, nhưng những tháng sau cô ngưng làm từ thiện để bù vào số vượt cao ấy. Những tháng không gặp ai khó khăn xung quanh cần giúp đỡ là cô cầm tiền đến nhờ tôi làm từ thiện.

Làm từ thiện để cám ơn cuộc đời

Cô Ngân là 1 trong những công nhân đầu tiên của Nhà máy dệt 8.3 khi nhà máy đi vào hoạt động năm 1965, cùng với người đồng nghiệp thân thiết Cù Thị Hậu, người sau này trở thành Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Suốt nhiều năm, cô Ngân đứng chung máy với cô Cù Thị Hậu, người này đứng ca sáng thì người kia đứng ca chiều. Cô Ngân nhớ lại, khi không quân Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, nhà máy phải sơ tán đi nhiều nơi, nhưng vẫn bảo đảm duy trì sản xuất. Cô công nhân trẻ Kim Ngân xung phong ở lại Hà Nội vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ nhà máy, cả trong 12 ngày đêm ác liệt giặc ném bom Hà Nội. Với thành tích đó, cô được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba vào năm 1984.

Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1977 cô Ngân theo chồng về Nam, công tác ở Bưu điện tỉnh Long An. Từ đó cho tới khi về hưu, cô gắn bó với công tác Công đoàn ở vị trí Trưởng ban Nữ công Công đoàn ngành Bưu điện tỉnh Long An.

Nhờ có khiếu ăn nói, đã có kinh nghiệm làm công tác Công đoàn ở Nhà máy dệt 8.3, cô được mọi người tin tưởng, tín nhiệm, phong trào nữ công của ngành phát triển thuận lợi. Một thời, những công đoàn viên nữ trong ngành Bưu điện Long An khi gặp hoạn nạn, khó khăn luôn được người cán bộ nữ công Kim Ngân kịp thời có mặt giúp đỡ, chia sẻ.

Về nghỉ hưu, cô tiếp tục tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú, giúp đỡ người nghèo, giúp địa phương ổn định, phát triển. Giờ đã lớn tuổi, không còn đóng được gì cho cộng đồng, cho xã hội, cô chọn cách trích lương hưu làm từ thiện hàng tháng.

Cô Ngân tâm niệm, cuộc đời đã cho cô quá nhiều điều tốt đẹp, giờ làm được gì cho cuộc sống, cho cộng đồng là cách cô cảm ơn cuộc đời!

 

https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/trich-luong-huu-lam-tu-thien-de-cam-on-cuoc-doi-788750.ldo

Theo Kỳ Quan (LĐO)

Có thể bạn quan tâm