Kinh tế

Tài chính

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%: Vướng đến đâu tháo gỡ đến đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước với quy mô 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ, về phía các ngân hàng thương mại vẫn giữ quan điểm chậm mà chắc khi thực hiện chính sách này.

Ngày 20-5-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Cũng ngay trong ngày 20-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Tại Gia Lai, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã khẩn trương triển khai và yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chính sách hỗ trợ này. Đồng thời, đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất trong 2 năm (2022-2023) và từng năm gửi về Chi nhánh để tổng hợp, theo dõi.

Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong số đối tượng được hỗ trợ lãi suất (Kim Linh)
Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong số đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Kim Linh



Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng của Chính phủ hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã thuộc một trong các ngành như: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nêu trên đặt nhiều kỳ vọng khi chính sách được ban hành. Ông Đặng Hoài Linh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đặng Nguyên Phát Gia Lai (43 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho hay: “Trong hơn 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp cũng được ngân hàng thương mại áp dụng gói tín dụng ưu đãi về lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, mong muốn hiện nay của tôi là được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ với thời gian dài hơn, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và củng cố nội lực để phục hồi phát triển”.

Vừa được “tiếp sức” bằng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lâm-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai  (03 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) bày tỏ: “Chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ như một liều thuốc bổ trợ giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực để phục hồi hoạt động kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đã tiếp cận và được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất tại Agribank Đông Gia Lai và BIDV Gia Lai. Các điều kiện, hồ sơ, thủ tục theo quy định đã được ngân hàng hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời”.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí về lãi vay chiếm tỷ trọng rất lớn và cũng là gánh nặng, áp lực mà họ phải giải quyết đầu tiên trong giai đoạn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, từ chính sách ban hành đến thực tiễn tiếp cận vẫn còn một số vướng mắc khách quan lẫn chủ quan. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Theo kết quả khảo sát, phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, hầu hết đã nắm bắt thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, việc tiếp cận gặp khó khăn vì sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng các điều kiện về tài sản thế chấp, vướng nợ xấu hoặc không có dư nợ gốc bị quá hạn, số dư lãi chậm trả, khoản vay được gia hạn nợ. Hiệp hội cũng đã liên hệ trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng thương mại, đương nhiên không thể hạ tiêu chuẩn cho vay vì khoản hỗ trợ này là từ ngân sách nhà nước, phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách”. Theo ông Tuấn, Hiệp hội đã tham gia tổ công tác do Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh làm Tổ trưởng. Qua đó sẽ nắm bắt, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong đó có vấn đề tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất. Quan điểm của Hiệp hội là sẽ cùng với NHNN-Chi nhánh tỉnh chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó, từng trường hợp cụ thể.

Liên quan đến việc triển khai chính sách, ông Diệp Bảo Long-Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình-Chi nhánh Gia Lai-cho hay: “Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, chúng tôi đã thông tin rộng rãi đến toàn bộ khách hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có khách hàng nào đăng ký đề nghị được hỗ trợ. “Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa phần khách hàng doanh nghiệp của Chi nhánh khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định về hồ sơ, chứng từ, nhất là các chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn nhằm phục vụ cho công tác thanh toán, quyết toán, kiểm toán vì liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước”.

Theo thông tin từ NHNN-Chi nhánh tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại hiện đã cơ bản hoàn tất việc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Hiện nay, NHNN-Chi nhánh tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất và báo cáo kết quả thực hiện về NHNN theo định kỳ để báo cáo trung ương và UBND tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh-khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khách hàng nắm bắt thông tin, tiếp cận chính sách này. Trong suốt quá trình triển khai chính sách, nếu có vướng mắc ở đâu, doanh nghiệp nào, ngân hàng nào thì chúng tôi sẽ cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chính sách hỗ trợ này phát huy tốt nhất vai trò, mục đích, hiệu quả đề ra”.

 

 SƠN CA

 

Có thể bạn quan tâm