(GLO)- Sở Tư pháp vừa ban hành văn bản số 1958/STP-NV1 gửi các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật về XLVPHC vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm còn chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số vụ việc xử phạt hành chính chưa đảm bảo trình tự, thủ tục; việc áp dụng hình thức xử phạt và các biện pháp XLVPHC chưa đầy đủ; sử dụng biểu mẫu và lưu trữ hồ sơ XLVPHC chưa đúng quy định.
Vì vậy, để tăng cường hiệu quả công tác và khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong thi hành pháp luật về XLVPHC, Sở Tư pháp đề nghị các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và người có thẩm quyền XLVPHC trong thực thi nhiệm vụ.
Trong đó, chú trọng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; thời hạn, thời hiệu. Xác định đúng thẩm quyền và hình thức xử phạt; sử dụng đúng biểu mẫu theo quy định của pháp luật; thực hiện việc lưu trữ hồ sơ XLVPHC đầy đủ, khoa học.
Kiểm tra tình hình vận chuyển pháo nổ. Ảnh: M.H |
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch UBND, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền. Tổ chức thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm túc, triệt để, không để xảy ra tình trạng hết thời hiệu thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn chưa thi hành xong.
Đối với các vụ việc không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt thì cơ quan, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc kịp thời hoàn thiện hồ sơ chuyển ngay đến người có thẩm quyền giải quyết theo đúng thời hạn quy định. Đối với những vụ việc XLVPHC phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan, người có thẩm quyền XLVPHC cần chủ động trao đổi, thống nhất với các cơ quan có liên quan. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành pháp luật về XLVPHC đến Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, trọng tâm là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; các nghị định xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác XLVPHC. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, kinh nghiệm làm đầu mối thực hiện công tác thi hành pháp luật về XLVPHC tại cơ quan, đơn vị. Tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và đội ngũ tham mưu, thực hiện công tác XLVPHC, chú trọng hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ và quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12-2-2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC; xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức cố tình bao che đối với trường hợp phát hiện vi phạm hành chính nhưng không xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
LỆ HẰNG