Chính trị

Tin tức

Triển khai đồng bộ các giải pháp để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2010-2015, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và của các ban, bộ, ngành, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Theo đó, có 14/20 chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đạt và vượt.

 

Nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm tăng 12,81%, đạt chỉ tiêu Đại hội XIV (tính theo GDP). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, đến năm 2015, gấp 2,54 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Nông nghiệp phát triển khá bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi phát triển khá cả về số lượng và cơ cấu sản phẩm. Cuối năm 2015 có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 12% tổng số xã toàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp-xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất gấp 2,05 lần so với năm 2010, tăng bình quân 15,8%/năm. Các ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh, tăng bình quân 15,5%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội XIV. Hoạt động tài chính, ngân hàng được triển khai tích cực. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt 7,81%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân hàng năm đạt 6,1%. Tổng chi ngân sách địa phương tăng bình quân 13,2%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển. Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư thực hiện 60.700 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2010, tăng bình quân 13,8%/năm.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng; khoa học và công nghệ có chuyển biến tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 98,2% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Hoạt động khoa học và công nghệ gắn với nghiên cứu và triển khai có chuyển biến về chất lượng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Chính sách về bảo hiểm y tế được triển khai tích cực, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, 80% trạm y tế xã có bác sĩ; 7,18 bác sĩ/vạn dân; 31,1% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được quan tâm. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật, phát thanh-truyền hình, xuất bản có bước phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên. Phong trào thể dục-thể thao được quan tâm phát triển hơn. Công tác xã hội hóa hoạt động thể dục-thể thao được đẩy mạnh. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,18%. Việc thực hiện chính sách dân tộc đạt được một số kết quả tích cực. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố và giữ vững. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.

 

Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: N.G
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: N.G

Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả, có nhiều đổi mới. Theo đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận được coi trọng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được các cấp ủy, tổ chức Đảng nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao; việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Công tác kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, củng cố tổ chức Đảng và công tác đảng viên được quan tâm. Đảng bộ đã hoàn thành sớm công tác thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên, chưa có tổ chức Đảng. Công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy quan tâm hơn; tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm tăng bình quân 7,38%, vượt chỉ tiêu Đại hội XIV. Trong nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ đã kết nạp hơn 13.800 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 2.760 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ trên 47.000 đồng chí. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo khách quan, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Số tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2011-2015 đạt 63,54%, số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm chiếm 74%. Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được chú trọng đúng mức. Công tác dân vận của Đảng được tăng cường. Công tác xây dựng chính quyền được củng cố và kiện toàn. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tiễn cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Đó là: chất lượng tăng trưởng kinh tế một số mặt còn thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm khắc phục, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; công tác quốc phòng-an ninh, phòng-chống tham nhũng, lãng phí và đối ngoại còn một số mặt hạn chế; hoạt động của hệ thống chính trị một số mặt chưa đạt yêu cầu. Cần đấu tranh với “nhóm lợi ích”, nó làm cho địa phương tổn thất tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác, thất thu cho ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư, không thu hút được các nguồn lực bên ngoài, làm mất đi tính cạnh tranh và năng động của địa phương và các cơ quan tham mưu; làm cho chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) liên tục sụt giảm, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn một số nơi chưa phù hợp; xử lý cán bộ chỗ nặng chỗ nhẹ, thiếu dân chủ, khách quan, dư luận xã hội chưa đồng thuận cao. Trong thời gian tới, Đảng bộ cần khắc phục một cách có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã mắc phải trong thời gian qua.

Trong giai đoạn 2015-2020, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến mới; tình hình trong nước vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Gia Lai xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để Gia Lai phát triển nhanh, bền vững”. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp sau đây:

Một là, tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế. Cụ thể là: phát triển nông-lâm nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp-xây dựng theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; nâng cao chất lượng các ngành thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của tỉnh; xây dựng kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, làm nền tảng phát triển các ngành theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; huy động ngân sách, tài chính, ngân hàng, khai thác tốt các nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển; phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; tạo điều kiện phát triển và tăng cường liên kết giữa các vùng trong tỉnh để phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng.

 

Tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Hai là, chú trọng đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội. Nhiệm vụ cụ thể là: thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục-thể thao, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân; bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba là, triển khai có hiệu quả công tác quốc phòng-an ninh, phòng-chống tham nhũng, lãng phí và công tác đối ngoại. Theo đó, hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào.

Bốn là, trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ quản lý, tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân, với Đảng để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đến; cần có một đội ngũ quan chức có tài, có đức và thanh liêm, mẫn cán trong công việc để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà và theo kịp các tỉnh trong vùng và cả nước. Vì mấy nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XIV, chúng ta loay hoay mãi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chậm được đổi mới nhưng các nỗ lực này tiến triển rất chậm. Do vậy, sau Đại hội XV phải thật sự thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng và làm tốt công tác xây dựng Đảng, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.

Phạm Đình Thu
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Có thể bạn quan tâm