Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Triển khai nhanh Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án đặc biệt quan trọng, cần được triển khai nhanh, gấp rút và cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông."
Quy mô đầu tư chưa phù hợp
Về quy mô đầu tư, Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng Dự án theo quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh (đối với quy mô 4 làn xe mặt đường là 24,75m, sẽ bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp; đối với quy mô 6 làn xe mặt đường là 32,25m, sẽ bao gồm 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 được phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80-120km/h cho tất cả các đoạn của dự án.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729:2012) về đường ôtô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80-120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 2 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100km/h trở lên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư dự án, nhưng quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h.
Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị trong giai đoạn này, cần cân nhắc đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m và đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Về hình thức đầu tư, theo tờ trình của Chính phủ, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, trong khi nguồn thu chủ yếu có thể sụt giảm mạnh do tác động của nhiều yếu tố, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng. Các nhà đầu tư khó khăn tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng.
Có ý kiến cho rằng, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nên cần tiếp tục quán triệt chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân.
Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này, theo đó cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư dự án.
Ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng, mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho dự án là có cơ sở.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho rất nhiều các dự án giao thông đường bộ sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có dự án.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch.
Tính toán kỹ mức đầu tư dự án
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng, cần được triển khai nhanh, gấp rút và cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch Quốc hội nhận định thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã mất rất nhiều thời gian. Việc thay đổi phương thức đấu thầu, thay đổi phương thức đầu tư khiến dự án giai đoạn 2017-2020 kéo dài thêm 3-4 năm. Do đó, “không được để dự án giai đoạn này giống như giai đoạn trước."
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ dự án đường bộ cao tốc này sẽ giải quyết những hạn chế ở các tuyến quốc lộ song hành như thế nào; bảo đảm sự hợp lý, khoa học, đồng bộ đối với các hướng, tuyến của dự án và sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ, đường cao tốc khác.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sắp tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc và thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m so với quy mô 4 làn xe mặt đường 17m để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, mở rộng đợt sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ, Cà Mau, nơi không có sẵn nguyên vật liệu tại chỗ.
Chính phủ tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần, có phương án thiết kế sơ bộ, đảm bảo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái; đồng thời bổ sung, làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho dự án.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quản lý đầu tư toàn bộ dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần, mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó đảm bảo chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện. Đây là Dự án quan trọng quốc gia, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ nên cần quản lý tập trung, thống nhất về quan điểm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công, nhưng đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 2 năm 2022-2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu các điều kiện khác để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa. Diện tích đất phải thu hồi cho dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều, nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân, không để phát sinh các vấn đề phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm