Kinh tế

Triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định vùng nguyên liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đáp ứng nguyên liệu mía cho nhà máy có công suất ép 12.000 tấn mía/ngày, vụ ép 2014-2015, Nhà máy Đường An Khê cần sản lượng mía tối thiểu là 1,2 triệu tấn. Con số này sẽ còn tăng lên cao hơn khi nâng công suất ép của nhà máy từ 12.000 tấn mía/ngày lên 18.000 tấn mía/ngày. Để giải quyết bài toán nguyên liệu mía, ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư Nguyên liệu mía Nhà máy Đường An Khê cho biết: Nhà máy thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển vùng mía, trong đó nhóm giải pháp mang tính quyết định vẫn là mở rộng diện tích trồng mía tại các khu vực tiềm năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng-thu hoạch mía, chuyển giao giống mía mới, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng tăng năng suất mía.

Thu hoạch mía
Thu hoạch mía

Việc thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía đã phát huy hiệu quả. Theo đó, tổng diện tích trồng mía niên vụ năm nay tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng 2.700 ha so với niên vụ trước. Huyện Kông Chro được xác định là vùng tiềm năng để phát triển cây mía. Đến nay, tổng diện tích mía trên địa bàn huyện đạt khoảng 5.000 ha, tăng hơn 1.300 ha so với niên vụ trước. Cây mía không chỉ phát triển tại các vùng thuận lợi như: xã An Trung, Yang Trung, Kông Yang mà còn mở rộng sang các xã vùng sâu như Sơ Ró. Theo khảo sát của Nhà máy Đường An Khê, nếu tận dụng hết quỹ đất hiện có tại các xã: Sơ Ró, Đak Pling, Đak Kơ Ning, Đak Song để trồng mía có thể đạt diện tích 6.000 ha.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã An Khê, thời gian qua, giá đường luôn biến động theo hướng bất lợi đối với nông dân. Đề cập đến vấn đề này, ông Phước khẳng định: Nhà máy Đường An Khê vẫn duy trì cơ chế áp giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía. Tuy nhiên, trong điều kiện vùng nguyên liệu mía phát triển rộng lớn như hiện nay, đã đến lúc Nhà máy đẩy mạnh thực hiện chiến lược đầu tư phát triển cây mía theo chiều sâu để tăng năng suất mía trên đơn vị diện tích đất canh tác, giảm chi phí đầu tư để giúp nông dân tăng thu nhập từ trồng mía. Cụ thể hóa chiến lược này, niên vụ mía năm nay, Nhà máy đã đầu tư trên 200 tỷ đồng cơ giới hóa khâu trồng mía và hỗ trợ một phần phân bón, giống mía mới cho nông dân. Đặc biệt, Nhà máy nhân rộng diện tích trồng mía bằng giống mới đã qua thử nghiệm như: LK92-11, K95-84, K95156, nâng tổng diện tích mía trồng bằng giống mía mới toàn vùng hiện tại đạt 8.000 ha. Kết quả của sự kết hợp giữa cơ giới hóa các khâu trồng mía và giống mía mới, năng suất mía đạt trên 100 tấn mía cây/ha chính là cơ sở vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 65 tấn/ha trở lên trong thời gian gần, tăng 15 tấn mía/ha trở lên so với năng suất mía bình quân đạt được hiện nay.

Cũng theo ông Phước, quá trình phát triển vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông tỉnh đã hình thành các cánh đồng mía mẫu lớn với diện tích 1.000 ha trở lên tại các xã Tân An (huyện Đak Pơ); An Trung (huyện Kông Chro), Đak Hlơ (huyện Kbang)... Trong tương lai sẽ còn hình thành nhiều cách đồng mía mẫu lớn nữa. Song hành cùng sự phát triển này, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi-cơ quan chủ quản của Nhà máy Đường An Khê đang xúc tiến việc mua máy thu hoạch mía mức giá 9-10 tỷ đồng để phục vụ thu hoạch mía cho cánh đồng mẫu lớn tại khu vực phía Đông tỉnh. Theo tính toán, một ngày hoạt động của máy thu hoạch mía bằng 380-400 lao động thủ công. Ngoài ra, việc cơ giới hóa khâu thu hoạch giúp người trồng mía giảm chi phí thuê nhân công gần 50%. Đặc biệt, trong quá trình thu hoạch, máy sẽ băm lá mía tạo lớp mùn trả lại hữu cơ cho đất nuôi cây mía phát triển, giảm lượng phân bón.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm