Chính trị

Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 1-2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến thanh-thiếu niên và đề ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian đến.

Tập trung làm rõ nguyên nhân

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-cho biết: Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 337 vụ TNGT, làm 242 người chết, 265 người bị thương; tăng 10,13% số vụ, tăng 15,79% số người chết và tăng 3,92% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Theo phân tích, nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do đi sai làn đường; tránh, vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định; vi phạm tốc độ, khoảng cách an toàn... Có 9 địa phương tình hình TNGT tăng, trong đó, các huyện: Kông Chro, Đak Đoa, Chư Prông, thị xã An Khê và TP. Pleiku tăng trên 30%.

Nhận trách nhiệm về việc TNGT năm 2022 trên địa bàn tăng đột biến, ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Toàn huyện xảy ra 13 vụ, làm 17 người chết, 7 người bị thương, trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết, 1 người bị thương; tăng 5 vụ và 11 người chết. Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho rằng: Nguyên nhân một phần là do cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, sâu sát với công tác đảm bảo trật tự ATGT tại địa bàn; vai trò của lực lượng Công an chính quy cấp xã chưa phát huy đúng mức; việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các xã, thị trấn để TNGT tăng cao chưa thật sự kiên quyết. Đặc biệt, hiệu quả công tác tuyên truyền còn thấp; tình trạng thanh-thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia tham gia giao thông còn phổ biến; các phương tiện không đủ điều kiện lưu hành không được xử lý quyết liệt dẫn đến tình trạng TNGT trên địa bàn tăng cao.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, Đak Đoa cũng là một trong những địa phương có tình hình TNGT tăng cả 3 chỉ số. Năm 2022, toàn huyện xảy ra 36 vụ, làm chết 27 người, bị thương 43 người. Trong đó, có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đak Sơ Mei, làm 6 người chết, 3 người bị thương. Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-nhận định: Các nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Đáng chú ý là hiện tượng thanh-thiếu niên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, rú ga, chạy tốc độ cao còn diễn ra nhưng chưa được xử lý triệt để; một bộ phận phụ huynh vẫn giao xe mô tô cho con em khi chưa đủ tuổi dẫn đến vi phạm các quy định về trật tự ATGT, gây tai nạn.

Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa nhấn mạnh: Tỷ lệ thanh-thiếu niên điều khiển xe mô tô gây TNGT là 23 vụ, chiếm 64% tổng số vụ trên địa bàn huyện, làm 13 người chết, 28 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số 16 vụ, làm 11 người chết và 21 người bị thương. Đây là con số đáng báo động. “Một phần là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền. Việc quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình đối với số thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự ATGT chưa thực sự hiệu quả, chưa làm chuyển biến tình hình”-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp kéo giảm TNGT

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân TNGT, đề xuất nhiều giải pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện và hoạt động vận tải… nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm kéo giảm TNGT trên địa bàn thời gian qua, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-nhấn mạnh: Năm 2022, toàn huyện chỉ xảy ra 8 vụ làm 8 người chết, giảm 7 vụ, 7 người chết. Kết quả này phản ánh nỗ lực của địa phương trong việc thường xuyên, liên tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện và xử lý vi phạm được triển khai tại các xã, thị trấn, nhất là ở các xã có đông người dân tộc thiểu số. Đặc biệt là việc quan tâm khắc phục được 4 điểm đen tiềm ẩn TNGT tại các tuyến quốc lộ, khu vực đông dân cư… đã góp phần kéo giảm TNGT.

Còn với huyện Mang Yang, công tác kéo giảm TNGT được giao nhiệm vụ đến Đội tuyên truyền cơ động cấp xã. Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện-nêu giải pháp: Sau khi lực lượng Công an các xã lập danh sách 250 thanh-thiếu niên càn quấy, thường xuyên vi phạm trật tự ATGT, Đội tuyên truyền cơ động tổ chức đến từng nhà vận động phụ huynh không giao xe phân khối lớn cho con em mình khi chưa đủ tuổi; gặp gỡ các thanh-thiếu niên vận động ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT.

Đại biểu tham gia trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn

Đại biểu tham gia trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn

Cùng với đó, hệ thống chính trị thôn, làng cùng tham gia quản lý, giáo dục các đối tượng này ngay tại cơ sở; Ban ATGT huyện còn phối hợp với các cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh tuyên truyền về ATGT; triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an huyện, xã và UBND cấp xã về công tác đảm bảo, trật tự ATGT. Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nhấn mạnh: “Thông qua các buổi lễ, chúng tôi còn tranh thủ các chức sắc tôn giáo tuyên truyền giáo dân chấp hành pháp luật về ATGT. Cùng với đó, chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy và các chi hội, đoàn thể các thôn, làng; đặc biệt không tuyên truyền rộng rãi mà tập trung vào số thanh-thiếu niên cá biệt, càn quấy. Đây là giải pháp hữu hiệu kéo giảm TNGT”.

Nêu các giải pháp hiệu quả đảm bảo ATGT đối với học sinh, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Học sinh điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi tiềm ẩn cao nguy cơ TNGT. Theo đó, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường giúp học sinh hình thành ý thức, văn hóa, tạo cho các em có thói quen tuân thủ Luật Giao thông đường bộ là việc làm hết sức quan trọng. Do vậy, 100% phụ huynh và học sinh thực hiện ký cam kết, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Để phấn đấu thực hiện đạt và vượt mục tiêu năm 2023 giảm TNGT từ 5% đến 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương, các sở, ngành, địa phương cần chủ động khắc phục những tồn tại hạn chế, tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm ATGT 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh các địa phương có TNGT tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả, trong đó tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thanh-thiếu niên, học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hạ tầng số; phát huy vai trò hệ thống thông tin cơ sở, chú trọng vận động cá biệt đối với thanh-thiếu niên; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong bảo đảm trật tự ATGT.

“Năm 2023, Công an tỉnh cần có kế hoạch thường xuyên, liên tục thực hiện các chiến dịch xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, nhất là thanh-thiếu niên vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT. Trong đó, tập trung vào các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT và tử vong do TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm; học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái quy định; người đủ tuổi điều khiển xe mô tô nhưng không có giấy phép lái xe; thanh-thiếu niên tụ tập gây rối, đua xe trái phép”-Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm