Kinh tế

Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Công văn số 2791/UBND-NL về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số heo buộc tiêu hủy là 81.030 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại tỉnh Gia Lai, các tháng đầu năm 2024 có 306 con heo của 71 hộ dân tại các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku mắc bệnh DTHCP. Từ tháng 10-2024 đến nay, tại thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) có 58 con heo giống cấp cho người dân bị chết có kết quả xét nghiệm dương tính với DTHCP.

Để hạn chế DTHCP lây lan, nhất là thời điểm các cơ sở chăn nuôi đang tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã tăng cường giám sát đàn heo, nhất là các khu vực từng có DTHCP xuất hiện, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y bảo đảm đủ năng lực chống dịch kịp thời, hiệu quả; tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân trong triển khai phòng-chống dịch bệnh như: khử trùng tiêu độc, tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, các huyện có đường biên giới giáp Campuchia tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

trung-tam-dich-vu-nong-nghiep-tp-pleiku-da-phoi-hop-voi-ubnd-phuong-hoa-lu-tien-hanh-tieu-huy-toan-bo-dan-heo-cua-ho-ong-nghi-anh-nhat-hao-2326.jpg
Trước đó, vào tháng 7-2024, bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Ảnh: Nhật Hào

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương đang có ổ dịch nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế, xử lý các ổ dịch bệnh động vật, không để lây lan ra diện rộng; tăng cường theo dõi diễn biến dịch bệnh và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động vật kể cả trên động vật hoang dã để có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30-12-2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngoài ra, Sở Thông tin-Truyền thông phối hợp với các cơ quan ban ngành và địa phương thông tin kịp thời về tình hình, diễn biến của bệnh DTHCP, các biện pháp phòng-chống dịch hiệu quả; Công an tỉnh bố trí lực lượng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trực 24/24 giờ tại các trạm kiểm dịch động vật; phối hợp giáo dục, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo trái phép ra, vào tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y, Công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum phối hợp chặt chẽ với các địa phương ngăn chặn nhập lậu heo, sản phẩm từ heo trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kiên quyết không cho phép buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, chưa qua kiểm dịch qua biên giới…

Có thể bạn quan tâm