Pháp luật

Tin tức

Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-10, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện một số ban, ngành của tỉnh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật này đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của luật năm 2015.

Trong đó, có những quy định cụ thể hơn về vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt triển khai Quyết định số 1323 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1-1-2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành trên phạm vi cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có công tác xây dựng pháp luật của địa phương. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật năm 2020, Thứ trưởng đề nghị HĐND, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quan tâm tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tập huấn để đội ngũ cán bộ, công chức nắm chính xác hơn, sâu sắc hơn các quy định mới của Luật năm 2020. Cùng với đó, quan tâm, chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền và tổ chức hiệu quả văn bản liên quan đến công tác xây dựng pháp luật ở địa phương theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật…

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm