Kinh tế

Tài chính

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 qua đánh giá của một số tổ chức quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối diện với nhiều khó khăn, Việt Nam thực sự đang trở thành một điểm sáng trong phục hồi và được các chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín đánh giá hết sức tích cực, lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong cả trung và dài hạn.

Trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình khu vực, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng từ các yếu tố xung đột chính trị quân sự giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, lạm phát gia tăng dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm lại tại nhiều quốc gia... Trong khi đó, ở trong nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng nặng nề hơn, nhất là việc khắc phục hậu quả sau 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

 Việt Nam thực sự đang trở thành một điểm sáng trong phục hồi kinh tế. Ảnh nguồn VGP
Việt Nam thực sự đang trở thành một điểm sáng trong phục hồi kinh tế. Ảnh nguồn VGP


Tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 6-9-2022 đánh giá, triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng tăng trưởng chậm lại ở châu Á, với lạm phát tương đối thấp-điểm khác biệt với quy luật chung trong khu vực. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn một điểm phần trăm so với 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 08/8/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022; lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm 2022.

Bên cạnh đó, báo cáo Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của tổ chức Fitch Solutions cho quý III-2022 đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực Đông và Đông Nam Á. Việt Nam đứng thứ 5/35 quốc gia châu Á, đứng thứ 20/201 thị trường được đánh giá về độ mở của nền kinh tế, đạt 74,6/100 điểm, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5. Việt Nam đạt 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông-Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu; mức độ cởi mở đầu tư đạt số điểm trung bình là 60, đứng thứ 8 trong châu Á và thứ 62 trên toàn cầu. Trang Business Times (Singapore) dẫn đánh giá của hãng phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu Moody’s Analytics cho rằng nền kinh tế của Việt Nam là một điểm sáng giữa những biến động trong khu vực.

Nhiều chuyên gia quốc tế uy tín cho rằng, Việt Nam ngày nay là động lực kinh tế và có thể giúp những quốc gia tương đồng có được những “bài học hữu ích”. Đồng thời, chính giới nhiều nước cho biết doanh nghiệp nước ngoài coi Việt Nam là quốc gia hấp dẫn để tăng cường đầu tư với đội ngũ lao động chất lượng, sức cầu cao, có tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh và đầu tư trong dài hạn.

Những đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022 là sự khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả trong các chủ trương, điều hành kinh tế của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cho thấy những tín hiệu tích cực đối với việc thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

 

HỒ TỐNG (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm