(GLO)- Nhiều người dân ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã chọn nghề trồng mai để phát triển kinh tế gia đình. Dù phương pháp trồng mai của mỗi người một khác song họ đều có nguồn thu nhập khá cao từ nghề này.
Cách đây khoảng 20 năm, được bạn bè và người thân ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) hướng dẫn cách trồng mai, ông Ngô Hồng (thôn Thượng An 2, xã Song An) đã chuyển đổi gần 1 sào đất trồng mì sang trồng mai. Những năm đầu, song song với việc tự ươm tạo nguồn cây giống, ông Hồng còn thu mua cây mai của người dân về chăm sóc, cắt tỉa bán kiếm lời. “Nhiều năm gần đây, nhờ nguồn thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm từ vườn mai, cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn”-ông Hồng cho hay.
Sau khi các con yên bề gia thất, ông Hồng vẫn tiếp tục với nghề. Ông tâm sự: “Trong vườn nhà tôi hiện có 150 cây mai 7-15 năm tuổi. Khi cần tôi sẽ bán bớt lấy tiền chi tiêu. Để tạo nguồn “dự bị”, tôi mới ươm 300 cây mai. Khi cây đạt chiều cao 30-40 cm, tôi sẽ chuyển sang trồng trên diện tích 3 sào. 7 năm sau là có thể bán lấy tiền dưỡng già”.
Theo ông Hồng, trồng mai theo cách tự nhiên không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít tốn công chăm sóc, có thể tranh thủ lúc nông nhàn. Đặc biệt, trồng mai không sợ ế. “Vì cây càng lâu năm, giá trị kinh tế càng cao. Tùy vào độ tuổi, kiểu dáng, kích thước mà mỗi cây có giá bán từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng”-ông Hồng nói.
Ông Ngô Hồng (xã Song An, thị xã An Khê) chăm sóc vườn mai của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh |
Cũng theo ông Hồng, trước khi trồng mai, cần cải tạo đất, bón lót phân chuồng để tạo nguồn dinh dưỡng. Cần thường xuyên thăm nom để kịp thời phát hiện, phòng ngừa sâu bệnh. Tùy vào mỗi cây mà cắt cành, tạo tán khác nhau. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được, ông Hồng đã tạo ra nhiều cây mai đẹp, được khách hàng lựa chọn.
Tương tự, nhận thấy nghề trồng mai cho thu nhập khá, anh Đỗ Văn Tuyên (tổ 2, phường Tây Sơn) đã tìm đến các nhà vườn học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, cắt cành, tạo dáng mai bonsai. Sau khi nắm vững kiến thức, anh thu mua cây phôi rồi cắt tỉa, sửa nhánh, uốn cành để cây mai trông bắt mắt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, anh gặp không ít khó khăn.
Anh Tuyên chia sẻ: “7 năm gắn bó với nghề này, tôi thấy cây mai ưa thời tiết nóng và ổn định. Tuy nhiên, ở khu vực An Khê, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá cao, ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Thêm nữa, nguồn nước ở đây có nhiều vôi, phèn, khi tưới cho cây sẽ gây thối rễ, làm mất diệp lục của lá, ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ”.
Ông Ngô Hồng (xã Song An, thị xã An Khê) cắt tỉa một gốc mai lâu năm. Ảnh: Ngọc Minh |
Để khắc phục bất lợi về thời tiết, anh Tuyên che chắn vườn mai bằng màng ni lông để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Còn nguồn nước, anh xử lý bằng cách xây dựng hệ thống bồn lọc nhiều lần nhằm loại bỏ vôi, phèn. Anh cũng chủ động thay đất, bón phân để nâng sức đề kháng cho cây. Nhờ vậy, vườn mai của anh phát triển tốt.
Với trên 100 cây mai bonsai, anh Tuyên được xem là một trong những người sở hữu số lượng mai bonsai nhiều nhất ở An Khê. Hàng năm, anh cùng một số thành viên của Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê mang mai bonsai tham gia hội chợ, triển lãm tại tỉnh Bình Định, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và được khách hàng đánh giá cao.
Theo chia sẻ của anh Tuyên, nghề trồng mai bonsai mang về cho gia đình nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn trồng nhiều loại cây cảnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vườn cây cảnh của anh tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập 400.000 đồng/người/ngày.
Ông Lê Minh Khanh-Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê-cho biết: “Hội có trên 150 hội viên, trong đó có 77 hội viên trồng hoa, cây cảnh. Hàng năm, chúng tôi tổ chức giao lưu với các hội trong và ngoài tỉnh để hội viên có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao tay nghề; đồng thời tạo điều kiện cho các hội viên tham gia hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương”.
NGỌC MINH