Kinh tế

Triển vọng từ chương trình trồng 50 ngàn ha cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bây giờ, khi dạo bước dưới những tán rừng cao su ngút ngàn, khó ai có thể hình dung được có thời, hàng vạn ha đất đỏ bazan màu mỡ từ các huyện: Đức Cơ, Chư Prông đến Chư Sê, từ Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pah đến Ia Grai… xác xơ dưới nắng hè bỏng rát. Mà không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, những năm qua, hàng vạn ha cao su đã góp phần không nhỏ đưa Gia Lai từ đói nghèo thành một địa phương có đời sống kinh tế-  xã hội phát triển trong khu vực Tây Nguyên.
Cao su đi dễ khó về...
Với lợi thế về đất đai màu mỡ, rộng lớn và khí hậu thích hợp, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã được tư bản Pháp đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển các đồn điền cao su. Nhưng phải đến năm 1923 (trong thời gian Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương), những đồn điền cao su đầu tiên mới hình thành ở Tây Nguyên.
Được sự hỗ trợ của bộ máy cai trị thực dân, tư bản Pháp ra sức bóc lột sức lao động của công nhân cao su người bản xứ, biến những đồn điền cao su này trở thành “địa ngục trần gian”. Cũng vì thế, những câu ca dao đầy cám cảnh về thân phận người công nhân cao su trong các đồn điền thực dân đã xuất hiện: “Cao su đi dễ khó về. Khi đi trai tráng khi về bủng beo”, hay “Lỡ lầm vào đất cao su. Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”…
Vườn cao su của Binh đoàn 15. Ảnh: Huy Tịnh
Vườn cao su của Binh đoàn 15. Ảnh: Huy Tịnh
Sau khi ách đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta bị lật đổ và đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, chia cắt đất nước, tiềm năng kinh tế to lớn của các đồn điền cao su ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục được các nhà tư bản và gia đình các tướng lĩnh ngụy quan tâm. Tuy nhiên, do chiến tranh diễn biến ác liệt, việc trồng và khai thác các đồn điền cao su ở Tây Nguyên đã không thể tiếp tục phát triển. Đến thời điểm năm 1976, tổng diện tích cao su cả vùng Tây Nguyên mới chỉ vào khoảng trên 3.400 ha.
Nhắc lại chuyện cũ một chút để thấy rằng, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là vùng đất cực kỳ lý tưởng để phát triển cây cao su. Đấy cũng là cơ sở để ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển trồng cao su trên vùng đất này.
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Tháng 2-1977, Nông trường Cao su Chư Prông- tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông ngày nay đã được thành lập. Là một trong 3.500 cán bộ, công nhân tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) và bộ khung cán bộ Nông trường Đồng Giao có mặt từ những ngày đầu tại Chư Prông, ông Phan Sỹ Bình- Giám đốc Công ty thuộc nằm lòng những bước đi của đơn vị mình suốt hơn 30 năm qua. Sau nhiều lần giao đi, điều lại, ngày 26-5-1988, Công ty chuyển về Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Lịch sử Công ty bắt đầu lật sang trang mới, có kỹ thuật quản lý chuyên ngành và được đầu tư tốt hơn. Trải qua bao thăng trầm, đến nay Công ty đã có 7.044,9 ha cao su, trong đó có 5.624,2 ha cao su kinh doanh, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha, sản lượng mủ cao su hàng năm đạt trên 8.500 tấn khô.
Cũng tham gia trồng cao su trên đất Gia Lai từ rất sớm còn có Công ty 72 (Binh đoàn 15).  Đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đức Cơ, các thế hệ cán bộ, công nhân của Công ty đã luôn giữ vững và phát huy bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Từ 300 ha cao su ở các dinh điền cũ để lại, đến nay Công ty đã phát triển được 5.428 ha cao su, trong đó có 5.043 ha kinh doanh và 196 ha cà phê. Năng suất mủ khô đạt trên 1,6 tấn/ha (năm 2009), cao nhất Binh đoàn và đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, Công ty đã tuyên truyền, vận động 669 lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và nhận khoán với Công ty, trong đó có 641 thợ khai thác mủ, lương bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng.
Từ những thành công của các đơn vị đi trước, ngày 4-5-1983, trên cơ sở Nghị quyết 05 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Chỉ thị 40 về việc phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Mục tiêu chiến lược Đảng và Nhà nước đề ra trong việc phát triển cây cao su là nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số  tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái trên vùng đất Tây Nguyên.
Sau khi Chỉ thị 40 ban hành, cuối năm 1983, Tổng cục Cao su Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Cao su Phước Hòa thành lập bộ khung cán bộ lên huyện Mang Yang xây dựng cơ sở. 18 cán bộ, 53 công nhân Công ty Cao su Phước Hòa do Phó Giám đốc Lê Khả Thinh làm Trưởng đoàn mang theo trọng trách ấy từ Bình Phước ngược đường 14 lên Tây Nguyên. Đến tháng 2-1984, Công ty Cao su Mang Yang chính thức được thành lập trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn gian khổ. Ngày ấy, trước mắt cán bộ, công nhân Công ty chỉ là những vùng đồi núi xác xơ cỏ đuôi chồn và cây dại, hậu quả của hàng vạn tấn bom đạn và chất độc khai quang mà Mỹ- ngụy trút xuống đây suốt mấy chục năm. Thiếu thốn trăm bề, lại luôn phải đối mặt với hiểm nguy của những quả bom đạn nằm lại, cộng thêm những cơn sốt rét vàng da, tái mặt nhưng với quyết tâm của những người đi tiên phong, ngày qua ngày, từng vạt đất hoang xơ xác đã được cán bộ, công nhân Công ty âm thầm, lặng lẽ dọn sạch nhường chỗ cho những mầm xanh hy vọng của cây cao su.
10 năm sau ngày thành lập, Công ty đã có được trên 3 ngàn ha cao su. Và đến bây giờ, diện tích ấy đã tăng lên gần 8 ngàn ha với trên 7.300 ha đưa vào khai thác. Công ty Cao su Mang Yang đã góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Hiện tại, trong số trên 3 ngàn cán bộ, công nhân viên Công ty có đến 1/3 là người dân tộc thiểu số địa phương với thu nhập bình quân đầu người đạt 2,5 triệu đồng/tháng.
Ra đời cùng thời điểm với Công ty Cao su Mang Yang là Công ty Cao su Chư Sê và Công ty Cao su Chư Pah. Hiện nay, 2 đơn vị này có khoảng trên 13 ngàn ha cao su, giải quyết việc làm cho trên 5 ngàn lao động, trong đó một phần lớn là người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Triển vọng từ chương trình trồng 50 ngàn ha cao su
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cho phép Gia Lai chuyển 50 ngàn ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Năm 2009, UBND tỉnh giao cho 14 doanh nghiệp triển khai kế hoạch trồng cao su giai đoạn 2010-2012 là 45.604,7 ha; riêng năm 2010 sẽ trồng mới 10 ngàn ha cao su tại các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Krông Pa, Mang Yang và Ia Grai.
Phó Tư lệnh Binh đoàn 15- Đại tá Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Đơn vị được giao 1.725 ha rừng nghèo tại các huyện: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông. Đến nay, Binh đoàn đã đưa máy móc vào khai hoang gần 1.000 ha tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) để trồng cao su.
Cùng với sự khởi động của Binh đoàn 15, hầu hết các doanh nghiệp được giao rừng nghèo trồng cao su đã và đang chuẩn bị các điều kiện để trồng cao su. Theo ông Phan Sỹ Bình: Năm 2010, Công ty triển khai trồng 80 ha cao su thuộc dự án chuyển rừng nghèo trồng mới 238 ha tại tiểu khu 986, 992 xã Ia Mơr đã được phê duyệt năm 2008; tiếp đến tiến hành khai hoang trồng mới tại tiểu khu 888, 889, 926 tại xã Ia Boòng và Ia Púch (huyện Chư Prông).
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đến thời điểm này, 10 dự án hoàn tất hồ sơ đã và đang chuẩn bị khai hoang, 6 dự án đang hoàn tất hồ sơ. 16 dự án trên đều được thực hiện trong năm 2010, tổng diện tích thiết kế hơn 9 ngàn ha, nâng tổng diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo chuyển đổi giai đoạn 2008-2010 của tỉnh lên 16.810 ha.
Mục đích của chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án. Với quyết tâm đó, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2015, định hướng đến năm 2020 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí, HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 19- HĐND tỉnh khóa IX.
Cùng với những vườn cao su đã có, chương trình chuyển 50 ngàn ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su đã mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ của cây công nghiệp mũi nhọn này trên đất Gia Lai. Cây cao su đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
Nguyễn Quang Dũng

Ông Nguyễn Văn Sỹ- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: “Năm 1983, Tổng cục Cao su mới có chủ trương trồng cây cao su một cách đại trà.

Tuy nhiên, lúc đó có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc nên trồng hay không, trồng như thế nào? Khi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước mời các chuyên gia Liên Xô đến khảo sát, các chuyên gia đã không đồng tình với chủ trương trồng cao su tại Gia Lai vì khi đến thăm vườn cây vào tháng 12 thì thấy... cây nào cũng bị rụng lá (trong khi đây là một đặc điểm của cây cao su mà các chuyên gia chưa nắm được). Sau đó, Tổng cục Cao su và tỉnh quyết định trồng thí điểm tại huyện Chư Prông, Chư Pah và Mang Yang, mỗi nơi từ 50 đến 60 ha với sự giúp đỡ của Tổng cục về kinh nghiệm, cán bộ, khoa học kỹ thuật...

Năm 1985, Bí thư thứ nhất của Đảng- Lê Duẩn trong một chuyến thăm Gia Lai cũng đã yêu cầu các đơn vị quân đội làm kinh tế (đặc biệt là Binh đoàn 15) trồng thêm cây cao su. Từ năm 1985 trở đi, các đơn vị nhân rộng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực”.

Có thể bạn quan tâm