Kinh tế

Triển vọng từ mô hình nuôi vịt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nuôi vịt trời theo hướng thương phẩm là mô hình chăn nuôi vừa được 7 hộ dân thuộc xã Glar (huyện Đak Đoa) áp dụng. Hướng đi mới này được kỳ vọng sẽ giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập.

 Mô hình nuôi vịt trời thương phẩm hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.V
Mô hình nuôi vịt trời thương phẩm hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.V

Mô hình nuôi vịt trời thương phẩm ở xã Glar do Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa triển khai thực hiện. Trước khi thực hiện mô hình này, 7 hộ dân được đưa đến tham quan, học hỏi cách chăm sóc ở một trang trại nuôi vịt trời tại huyện Ia Grai. Đầu tháng 8 vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện đã cấp 800 con vịt trời giống cho các hộ tham gia. “Các gia đình đăng ký thực hiện mô hình này đều là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc làng Ktu, làng Bối, thôn Dôr 1 và Dôr 2. Mỗi hộ được hỗ trợ cả giống, thức ăn và thuốc thú y. Ngoài ra, chính quyền xã cũng hỗ trợ 50% kinh phí làm chuồng trại cho các gia đình”-bà Nhêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar cho biết.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, gia đình ông Uếp (làng Dôr 2, xã Glar) có ao cá rộng khoảng 300 m2 được quây lưới để nuôi 200 con vịt trời. Vừa tranh thủ đi đặt nơm kiếm ít cá, cua đồng về làm thức ăn cho vịt, ông Uếp cho hay: “Ao này ngày trước tôi dùng trữ nước cho ruộng lúa của gia đình, ngoài ra còn để nuôi cá thương phẩm nhưng hiệu quả không cao lắm. Hy vọng chăn nuôi vịt trời sẽ đem lại kết quả như mong đợi”. Trước khi mô hình chăn nuôi vịt trời được triển khai tại xã Glar, ông Uếp cho biết đã tự mình lên mạng mày mò, tìm hiểu về giá trị kinh tế cũng như cách chăm sóc vịt. Tuy nhiên, những mô hình mà ông tìm hiểu lại ở tận miền Tây. lo lắng không biết vịt trời có thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Gia Lai nên ông vẫn đắn đo, chần chừ.

Sau khi được tham quan học hỏi mô hình nuôi vịt trời tại huyện Ia Grai, ông Uếp đã quyết định đầu tư chuồng trại để nhận vịt về nuôi. “Mặc dù bây giờ mới đang làm thí điểm 200 con vịt nhưng tôi thấy hướng chăn nuôi này rất có triển vọng bởi vịt trời so với vịt nhà dễ nuôi hơn nhiều, lại có sức đề kháng tốt. Tính từ lúc nhận vịt tới giờ, tôi chưa tốn thêm một đồng chi phí nào. Nếu hiệu quả, tôi sẽ nhân số vịt trời lên vài ngàn con để nuôi”-ông Uếp chia sẻ. Cùng với khoảng 4.000 cây cà phê, 1,3 ha lúa, 500 trụ tiêu và 500 gốc chanh dây, việc chăn nuôi vịt trời hứa hẹn sẽ tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình ông Uếp.

Tương tự, gia đình chị Luok (thôn Dôr 2) cũng nhận nuôi 100 con vịt. Đến nay, đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Sig (thôn Dôr 1) đến tham quan 2 mô hình nuôi vịt trời của ông Uếp và chị Luok tỏ ra khá thích thú. Anh bày tỏ: “Thấy hai bầy vịt trời phát triển tốt như thế này tôi cũng rất muốn nuôi thử. Đợi sau khi có kết quả nghiệm thu của mô hình này, có thể tôi sẽ học hỏi và mua giống về nuôi để cải thiện thu nhập cho gia đình”.

Ông Nguyễn Kim Anh-Chủ tịch UBND xã Glar cho biết: “Đây là mô hình chăn nuôi mới được áp dụng trên địa bàn xã. Vịt trời khá phù hợp với địa phương vì bà con có thể tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ như lúa, bắp, mì, cua, cá… Đồng thời, vịt trời có sức đề kháng khá tốt, ít bị bệnh và có giá trị kinh tế khá cao. Hiện tại, giá một con vịt trời trên thị trường khoảng 300.000-400.000 đồng. Vịt trời chăn nuôi theo hình thức bán tự nhiên nên cho thịt dai, ngọt, được nhiều người ưa chuộng. Sau khoảng 6 tháng chăn nuôi, đàn vịt đã có thể xuất chuồng. Các hộ tham gia mô hình cũng khá yên tâm khi cơ sở cung cấp giống hứa sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, tôi hy vọng đây sẽ là một hướng đi mới giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

 Phương Vi

Có thể bạn quan tâm