Pháp luật

Tin tức

Triệu tập nhiều "sếp" địa ốc Alibaba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Công an TP HCM tiếp tục triệu tập nhiều cá nhân "có vai trò quan trọng" của Công ty CP Địa ốc Alibaba cũng như kêu gọi nạn nhân làm đơn tố cáo.



Ngày 26-2, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết công an đã tiếp tục triệu tập hơn 13 cá nhân "có vai trò quan trọng" để lấy lời khai, làm rõ những hành vi liên quan đến hoạt động mua bán dự án "ma" tại Công ty Alibaba.

Đã có hơn 3.300 nạn nhân tố cáo

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, các cơ quan chức năng đã yêu cầu người dân từng mua đất nền tại các dự án của Alibaba hợp tác với cơ quan điều tra để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình. Tuy nhiên đến nay, sau 5 tháng điều tra, đã có 3.316 người (con số này so với thống kê thì chỉ hơn nửa so với số nạn nhân của Công ty Alibaba) làm đơn tố cáo với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 1.800 tỉ đồng. Để bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, Công an TP HCM tiếp tục kêu gọi người dân nếu là nạn nhân của Alibaba thì nên làm đơn tố cáo.

Một nạn nhân trong vụ án là ông N.V.T (60 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) kể: "Tôi mua một lô đất của Alibaba nhưng sau khi khởi tố vụ án, tôi có đến Công an TP HCM làm đơn tố cáo anh em Nguyễn Thái Luyện. Đến đầu tháng 2-2019, Công an TP HCM có mời tôi lên hướng dẫn làm lại đơn tố cáo theo đúng quy trình và tôi vẫn đang mong chờ cơ quan công an giúp tôi đòi quyền lợi".


 

Đã có hơn 3.300 nạn nhân đến cơ quan công an làm đơn tố cáo Công ty Alibaba Ảnh: PHẠM DŨNG
Đã có hơn 3.300 nạn nhân đến cơ quan công an làm đơn tố cáo Công ty Alibaba Ảnh: PHẠM DŨNG



Với hành vi lập dự án "ma" để lừa đảo, VKSND TP HCM sau khi củng cố chứng cứ, hồ sơ đã phê chuẩn lệnh bắt để tạm giam của công an cùng cấp đối với 3 bị can: Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, em trai Luyện, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, Giám đốc Công ty Địa ốc Xanh, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Công an TP HCM xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập Công ty Alibaba với quy mô hơn 2.600 nhân viên. Anh em Luyện đã tổ chức thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp - lên đến 600 ha, rồi giao cho các cá nhân đứng tên, vẽ ra 40 dự án "ma". Cụ thể, Luyện ra lệnh cho nhân viên lập 29 dự án ở Đồng Nai, 9 dự án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 dự án ở Bình Thuận. Lãnh đạo các tỉnh này khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Công ty Alibaba làm dự án nhưng các đối tượng vẫn lên mạng quảng cáo sai sự thật để bán đất nền. Tổng cộng, Công an TP HCM xác định anh em Nguyễn Thái Luyện đã ký hợp đồng bán đất cho hơn 6.700 người, thu về 2.650 tỉ đồng.

Lừa đảo khắp nơi

Theo cơ quan công an, với hình thức lập dự án "ma", Nguyễn Thái Lực mua 4 thửa đất trồng cây lâu năm ở xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và làm thủ tục sang tên chủ sở hữu. Sau đó, Lực ký hợp đồng mua bán với nhiều công ty và đặt tên dự án là "Khu dân cư Alibaba Tân Thành Center city 5". Cũng trong thời gian này, Lực ký kết nhiều hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán, hợp đồng xây dựng… với nhiều công ty. Quá trình ký kết các hợp đồng để thực hiện dự án, các bên không báo cáo chính quyền địa phương mà tự ý đặt tên khu dân cư trái phép là "Dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành Center city 5".

Nguyễn Thái Lực đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng với một số công ty phân lô, tách thửa, nhận cọc khách hàng. Sau đó, các đối tác của Nguyễn Thái Lực đã dựng rào bao quanh khu đất, lén lút thi công nhiều hạng mục vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. Khi công ty hoàn thành khoảng 80% các hạng mục thì chính quyền xã mới phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính.

Ở Bình Thuận, Công ty Alibaba đã đăng tải rầm rộ trên mạng xã hội để bán đất nền dự án "Thắng Hải Newtimes City" tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. Công ty Alibaba đăng nhiều thông tin quảng bá về dự án này trên mạng xã hội, gọi đây là một "siêu phẩm", "đất nước Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận" kèm theo thông tin giới thiệu dự án 35 ha, đã được phân ra hơn 1.800 nền, giá bán 1,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết khu đất này trồng cây keo lá tràm, đang khai thác, chưa có tác động gì đến việc san lấp mặt bằng, do Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của 3 hộ dân.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trong 3 năm gần đây, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, đẩy giá đất lên cao diễn ra phức tạp. Trong đó, vụ việc phức tạp nhất là vụ liên quan Công ty Alibaba đã rao bán hàng loạt dự án "ma". Ông Chánh cũng thông tin thêm sau khi Công ty Alibaba bị xử lý, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp lắng xuống nhưng không phải không còn, đầu nậu chuyển sang hoạt động ngày càng tinh vi hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 26-2, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết liên quan Công ty Alibaba hiện tất cả hồ sơ vụ việc được các địa phương thu thập chuyển đầy đủ cho Bộ Công an điều tra. Riêng về hậu quả phân lô bán nền của công ty này trên thực địa, các địa phương có tình trạng này như huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã tập trung từng bước xử lý. "Các văn phòng trái phép đã bị dẹp bỏ, hạ tầng phân lô bán nền bị cưỡng chế, xử lý trả lại hiện trạng. Các huyện - xã được chỉ đạo chịu trách nhiệm giám sát, ngăn chặn hằng ngày không để tình trạng tái diễn…" - ông Thường thông tin.

 



Cấm xuất cảnh giám đốc Công ty Đại Hải

Chiều 26-2, một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận các cơ quan chức năng đã ra quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Đại Hải. Nguyên nhân cấm xuất cảnh được xác định phục vụ công tác điều tra theo đơn tố giác tội phạm xảy ra tại khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM.

Dự án khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh được phê duyệt vào năm 2001 do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng K&N (sau này đổi tên thành Công ty CP Đại Hải) làm chủ đầu tư. Công ty K&N và Chi nhánh Tổng Công ty Sông Đà tại TP HCM (nay là Công ty CP Ani) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Sau đó, Công ty Đại Hải đã ủy quyền cho một số cá nhân đem đất đi thế chấp ngân hàng, đồng thời một lô đất sang tên cho nhiều người. Các cá nhân mua đất lại đem hồ sơ đi thế chấp ngân hàng.


Bắt 2 lãnh đạo Công ty Bình Dương City Land

Công an tỉnh Bình Dương ngày 26-2 cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi), Giám đốc Công ty CP TMDV - XDĐT phát triển địa ốc Bình Dương City Land (Bình Dương City Land, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và Hoàng Anh Vui (26 tuổi), Phó Giám đốc Bình Dương City Land, để điều tra, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung đơn tố cáo của khách hàng đều đề cập việc Bình Dương City Land rao bán dự án "ma" tại các dự án như: Green City 1, 2, 3, Phúc Long 1, 2 (huyện Bàu Bàng) và Phúc Long 3 (huyện Phú Giáo) để chiếm đoạt tài sản.


Nguyễn Thanh Hùng (trái) và Hoàng Anh Vui nghe đọc lệnh bắt tạm giam Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Nguyễn Thanh Hùng (trái) và Hoàng Anh Vui nghe đọc lệnh bắt tạm giam Ảnh: HƯNG NGUYÊN



Chị N.T.N (ngụ quận 9, TP HCM) kể chị được giới thiệu mua lô đất 125 m2 tại dự án khu dân cư Phúc Long City tại Phước Hòa, Phú Giáo, Bình Dương với số tiền 125 triệu đồng. Sau khi thu 90% số tiền thì Bình Dương City Land liên tục thất hứa. Sau đó, qua tìm hiểu thì chị biết mình bị lừa nên làm đơn tố cáo gửi đến công an. "Giờ họ bị công an bắt rồi, tôi lấy lại tiền như thế nào đây" - chị N. lo lắng.

Không chỉ chị N., hàng trăm khách hàng khác như ngồi trên đống lửa khi không biết có thể thu lại được số tiền đã đầu tư vào các dự án "ma" của Bình Dương City Land hay không?

Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM), trong trường hợp hồ sơ dự án không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà chủ đầu tư tự vẽ ra quy hoạch và huy động vốn từ khách hàng thì đã có dấu hiệu rất rõ của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hiện nay, với việc lãnh đạo công ty bị bắt thì khả năng lấy lại đủ tiền là rất khó khăn, do đó các khách hàng cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan CSĐT để cung cấp thông tin tố giác hành vi phạm tội của Bình Dương City Land, để cơ quan điều tra kịp thời ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản của công ty, đồng thời là cơ sở để trở thành người bị hại trong vụ án hình sự này (nếu có) để được cơ quan chức năng xem xét hoàn trả toàn bộ hoặc một phần tùy thuộc vào việc thu hồi tài sản do hành vi phạm tội mà có.



Theo PHẠM DŨNG - XUÂN HOÀNG - SỸ HƯNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm