Sáng kiến của Hàn Quốc dựa trên cơ sở 11 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản cùng thành lập MSMT vào tháng 10/2024 để giám sát trừng phạt Triều Tiên sau khi nhóm giám sát của LHQ giải thể vào tháng 4/2024 do Nga phủ quyết.
Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên cho rằng, “Nhóm giám sát trừng phạt đa phương” mong muốn đẩy mạnh mức độ thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên nhằm đối phó với “nguy cơ” tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng bản thân tổ chức này là không hợp pháp, được một số quốc gia thành lập nhằm phá hoại an ninh, hòa bình quốc tế.
Trong tuyên bố, người đứng đầu Văn phòng chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích nhóm MSMT, đồng thời tuyên bố những nước có hành động ngăn cản việc thực thi các quyền hợp pháp của Triều Tiên, trái với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, sẽ nhận hậu quả tiêu cực.
Theo người đứng đầu Văn phòng Đối ngoại Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Bình Nhưỡng nhắc lại lập trường rõ ràng về các lệnh trừng phạt, không có lệnh trừng phạt nào được tăng lên hoặc giảm đi đối với Triều Tiên.
Vì vậy, thông qua đàm phán nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ lâu đã không còn là sự quan tâm và cũng không được đưa vào chương trình nghị sự của nước này. Hành vi thách thức của một số nước lấy việc trừng phạt làm lý do để xâm phạm quyền lợi chủ quyền hợp pháp của Triều Tiên, Bình Nhưỡng “quyết không nhân nhượng, dùng hành động quyết đoán cần thiết kiên quyết chống lại”, để những bên tham gia “phải trả giá đắt”.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 21/2 cho biết, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban điều hành “Nhóm giám sát trừng phạt đa phương” được tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 19/2, có đại diện 11 nước gồm: Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ.
Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin điều này.