Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Trình diễn 2 nhạc phẩm xuất sắc của âm nhạc Nga tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong buổi hòa nhạc tối 7/9, khán giả yêu âm nhạc sẽ được thưởng thức 2 tác phẩm xuất sắc là concerto số 3 cho piano và dàn nhạc của Prokofiev; bản giao hưởng số 4 của Tchaikovsky.

 

 
Nhạc trưởng Lê Ha My. (Nguồn: BTC)
Nhạc trưởng Lê Ha My. (Nguồn: BTC)


Theo thông tin từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) buổi hòa nhạc trình diễn nhạc phẩm của 2 nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky và Prokofiev sẽ diễn ra tối 7/9 tại Nhà hát Thành phố.

Khán giả yêu âm nhạc sẽ được thưởng thức 2 tác phẩm xuất sắc là concerto số 3 cho piano và dàn nhạc của Prokofiev; bản giao hưởng số 4 của Tchaikovsky.

Nữ nghệ sỹ piano Nguyễn Thu Nga sẽ độc tấu trong đêm nhạc cùng các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Ha My. Nguyễn Thu Nga hiện là một trong những nghệ sỹ piano trẻ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Bản concerto số 3 là một tác phẩm nổi trội của Prokofiev và là một trong 5 concerto của ông. Tác phẩm này đã được rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng thu âm. Prokofiev cũng đã thu âm tác phẩm này của mình và đây là concerto duy nhất mà ông thu âm.

Bản concerto vừa dí dỏm vừa trữ tình, trong đó chương III là một cuộc tranh luận giữa piano và dàn nhạc với nhiều kỹ thuật khó. Với phong cách đầy cá tính, các tác phẩm của Prokofiev thể hiện sự tương phản giữa “châm biếm” và “bùng nổ." Tác phẩm này cũng không ngoại lệ.

Bản giao hưởng số 4 của Tchaikovsky mở đầu với giai điệu được cho là "định mệnh," như đoạn mở đầu giao hưởng số 5 của Beethoven. Bản giao hưởng dài 40 phút. Tuy nhiên, chương 1 đã dài khoảng 20 phút, là chương nhạc dài nhất của Tchaikovsky.

Phản ứng ban đầu của khán giả Nga cũng như thế giới dành cho bản giao hưởng này đều không tích cực. Nhưng sau đó, tác phẩm này đã được nhiều người yêu thích, thường xuyên được chọn biểu diễn. Có thể nói đây là một trong những sáng tác nổi bật nhất của Tchaikovksy.

Nghệ sỹ piano Nguyễn Thu Nga sinh ra và lớn lên tại Liên bang Nga. Cô đã bắt đầu đến với âm nhạc từ khi 6 tuổi. Trong suốt quá trình học tập, Nguyễn Thu Nga luôn giành được những giải cao trong các cuộc thi piano quốc tế tại Nga và châu Âu.

Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều chương trình độc tấu piano tại các sân khấu lớn. Hiện tại, đang làm việc tại Nga, với kinh nghiệm giảng dạy, cô đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi tham gia và đoạt giải các cuộc thi piano quốc tế.

Nhạc trưởng Lê Ha My sinh ra trong một gia đình âm nhạc. Ngay từ nhỏ, bố anh là đạo diễn opera - nghệ sỹ ưu tú Văn Hà đã hướng anh đi theo con đường âm nhạc cổ điển.

Năm 1999, anh tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Năm 2000, với đam mê trở thành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, anh đã được giáo sư, nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Trọng Bằng trực tiếp hướng dẫn.

Cuối năm 2000, anh được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện P. I. Tchaikovsky (Nga) - nơi đã đào tạo nhiều nghệ sỹ tài năng của thế giới.

Trong thời gian học tập và làm việc tại Nga, anh đã dàn dựng và chỉ huy các chương trình hòa nhạc với Dàn nhạc Yaroslav Philharmonic, Dàn nhạc Nhạc viện Moscow, Dàn nhạc thính phòng Nhạc viện Thành phố Magnitogorsk mang tên Glinka...

Trở về Việt Nam năm 2010, anh làm việc tại Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, hợp tác và dàn dựng các chương trình hòa nhạc cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, dàn dựng các chương trình âm nhạc với Đài truyền hình Việt Nam.

Hiện anh đang làm việc tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Trang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm