Kinh tế

Giá cả thị trường

Trình lần 6 Quy hoạch điện 8: Chưa cho phép triển khai 39 dự án/phần dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Công thương vừa có Tờ trình 7194 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Tờ trình này thay thế cho tờ trình số 5709 ngày 23.9.2022 và tờ trình 6328 ngày 13.10.2022 của Bộ Công thương. Trong năm 2022, đây là lần thứ 6 Bộ Công thương có tờ trình về Quy hoạch điện 8.

Tại phần đề xuất và kiến nghị, Bộ Công thương cho biết, kết quả rà soát Quy hoạch điện 8 đã bám sát chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt Quy hoạch điện 8 với cơ cấu như sau:


 

Tờ trình cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng Quy hoạch điện 8 là đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời …) với giá thành hợp lý. Ảnh: Thiện Nhân
Tờ trình cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng Quy hoạch điện 8 là đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời …) với giá thành hợp lý. Ảnh: Thiện Nhân




Đến năm 2030, dự kiến tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757 - 145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện 27.353 - 28.946 MW (tỷ lệ 19,8 - 22,5%); nhiệt điện than 30.127 - 36.327 MW (20,6 - 29,8%); nhiệt điện khí trong nước và LNG 30.330 - 39.430 MW (24,9 - 27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.. ) 21.871 - 39.486 MW (18 - 27%); nhập khẩu điện 4.076 - 5.000 MW (3,3 - 3,4%).

Định hướng đến năm 2050, ước tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461 - 501.608 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện chiếm tỷ lệ 7,2 - 9,7%; nhiệt điện than 0 MW; nhiệt điện sử dụng sinh khối/ amoniac chiếm tỷ lệ 5,1 - 7,8%; nhiệt điện khí trong nước từ 1,6 - 2,1%; nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro chiếm tỷ lệ 4,2 - 4,9%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... ) chiếm tỷ lệ từ 54,9 - 58,9%; nhập khẩu điện (2,2 - 3%).

Đặc biệt, Bộ Công thương đề xuất chưa cho phép triển khai trong giai đoạn 2021-2030 với 27 dự án/phần dự án chưa có nhà đầu tư, tổng công suất 4.136,25 MW; 12 dự án/phần dự án, tổng công suất 1.634,4 MW đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. 12 dự án/phần dự án này cũng đang làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định thu hồi đất hay hợp đồng thuê đất, chưa có quyết định giao đất để triển khai dự án năng lượng mà xem xét sau năm 2030 với điều kiện đảm bảo được hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền, nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 các dự án điện mặt trời đã hoàn thành, đang chờ giá bán điện mới; các dự án/phần dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án/phần dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở, đã có quyết định thu hồi đất, hợp đồng cho thuê đất hay quyết định giao đất, hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện. Tổng công suất các dự án này là 726,02 MW.

Điều kiện được tiếp tục triển khai là phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... giá điện thực hiện theo quy định.

 

Theo Nguyên Nga (TNO)

Có thể bạn quan tâm