Pháp luật

Tin tức

Trịnh Xuân Thanh rút kháng cáo vụ án Ethanol Phú Thọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xét kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, TAND Cấp cao quyết định mở phiên toà vào ngày 5-8 tới đây.

Ngày 22-7, thông tin từ TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết ngày 5-8 tới đây, cơ quan xét xử sẽ mở phiên toà phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol Phú Thọ). Phiên xét xử dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 5-8 đến ngày 7-8).
 

Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà cấp sơ thẩm
Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà cấp sơ thẩm


Phiên toà được mở do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Theo đó, các bị cáo kháng cáo là: Vũ Thanh Hà, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB); Phạm Xuân Diệu, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phó trưởng phòng Đầu tư dự án PVB; Khương Anh Tuấn, nguyên phó trưởng phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái, nguyên trưởng phòng Kinh doanh PVB, và Hoàng Đình Tâm, nguyên Kế toán trưởng PVB.

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo đều xin Tòa cấp phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm dân sự cho mình. Ngoài ra, 3 bị cáo là Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Thủy còn kháng cáo xin giảm khung hình phạt.

Ngoài 6 bị cáo nêu trên kháng cáo, Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) cũng có đơn kháng cáo. Doanh nghiệp này đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho Công ty Mai Phương.

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng (SN 1960) nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị tuyên án phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" (tổng hình phạt bản án trước đó chung thân) nhưng không kháng cáo. Cùng bị tuyên phạt về tội với bị cáo Đinh La Thăng bị cáo Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; 3 bị cáo là Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng bị phạt 30 tháng tù và Lê Thanh Thái 24 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 18 năm tù.

Sau phiên toà sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, xin miễn trách nhiệm dân sự bồi thường hơn 143 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo, chấp nhận án sơ thẩm với mức 18 năm tù về 2 tội danh. Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt án chung thân sau 3 vụ án, phải bồi thường dân sự hơn 173 tỉ đồng.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù.

Theo NGUYỄN HƯỞNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm