Xã hội

Từ thiện

Trợ giúp những phận đời nghèo khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh) đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ những phận người yếu thế, lang thang, cơ nhỡ, bị bạo hành, có hoàn cảnh đặc biệt… hòa nhập cộng đồng một cách tích cực nhất.

Nhiều năm qua, bà Hồ Thị Thúy (thôn 4, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) luôn bị ám ảnh bởi những trận đánh thừa sống thiếu chết của người chồng vũ phu suốt ngày say xỉn. Bà Thúy năm nay tròn 50 tuổi, có chồng là ông Hồ Ri (SN 1959) và 2 con trai đã có gia đình riêng. Những tưởng bà Thúy sẽ có những ngày tháng hạnh phúc quây quần bên con cháu ở tuổi xế bóng, nhưng không may chồng bà suốt ngày say xỉn, hễ có chuyện gì bực tức trong người là lại trút hết lên người bà. Đỉnh điểm là trưa 11-9-2017, ông Ri đánh bà Thúy bầm tím mặt mày, phải khâu 7 mũi ở phía cằm trái. Bà Thúy phải bỏ nhà tìm đến Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội lánh nạn.

 

Vận động đưa 2 cháu mồ côi ở huyện Chư Prông vào Trung tâm nuôi dưỡng. Ảnh: Đ.Y
Vận động đưa 2 cháu mồ côi ở huyện Chư Prông vào Trung tâm nuôi dưỡng. Ảnh: Đ.Y

“Qua buổi trao đổi, bà Thúy có nguyện vọng ở lại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Nhưng trường hợp của bà Thúy không thuộc đối tượng Trung tâm nhận nuôi dưỡng vì bà đang có chồng và con”-chị Võ Thị Hồng Thu-chuyên viên Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh) cho biết. Vì thế, ngày 13-9-2017, căn nhà của bà Thúy trở nên bình yên hơn mọi ngày bởi những câu chuyện, lời động viên của các nhân viên Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội cùng cán bộ xã Ia Hrung và Hội Người cao tuổi của thôn 4. Tại buổi làm việc, tuyên truyền trực tiếp ở gia đình bà Thúy, ông Ri đã hứa sẽ không bao giờ có hành vi bạo hành vợ nữa.

Cách nhà bà Thúy vài trăm mét là gia đình ông Phạm Hồng Mạnh và bà Mai Thị Dung, vì tuổi cao sức yếu nên ông bà có nhu cầu đưa đứa cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ là Trần Thanh Bình (SN 2000) vào Trung tâm để cháu được ăn học đàng hoàng hơn. “Nhưng trường hợp của Bình đã quá tuổi vào Trung tâm. Thấu hiểu với những khó khăn vất vả của ông bà, chúng tôi đã động viên ông Mạnh, bà Dung và hướng dẫn Bình làm hồ sơ học nghề; đồng thời sẽ liên hệ giúp em Bình tìm việc làm khi tốt nghiệp”-chị Thu chia sẻ.

Bà Thúy, em Bình chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp mới đây được Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội thực hiện các hoạt động quản lý trường hợp tại cộng đồng. Phối hợp với địa phương, các nhân viên Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội thường xuyên đến tận các gia đình để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của các đối tượng. “Chính sự đồng cảm với những khó khăn trong cuộc sống của các đối tượng mà chúng tôi đã động viên, thuyết phục họ tiếp cận với những dịch vụ công tác xã hội của Phòng. Từ đó, giúp việc phát hiện và hỗ trợ những cá nhân, gia đình, nhóm người gặp khó khăn, yếu thế trong xã hội tại địa phương được kịp thời hơn”-chị Thu cho biết thêm.

Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh ta có trên 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trên 91.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 105.120 người cao tuổi, số người khuyết tật là trên 3.000 người, trong đó khuyết tật nặng là 1.900 người. Đa phần những đối tượng yếu thế này lại thuộc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do đó có nhu cầu cao về tiếp cận những dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội. Theo ông Đinh Văn Bí-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội, để hoạt động công tác xã hội đến được với các đối tượng và phát huy hiệu quả, Phòng thường xuyên phối hợp với các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp từng đối tượng để họ sớm hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, nhân viên Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội còn tích cực tuyên truyền, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã mở rộng tấm lòng, tích cực giúp đỡ về vật chất và tinh thần như hỗ trợ gạo, các dụng cụ sinh hoạt, tặng học bổng… Nhờ đó, Trung tâm có thêm điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc các em mồ côi, người già neo đơn.

“Thời gian tới, để nhiều người biết đến Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội, các nhân viên của Phòng sẽ tích cực đi cơ sở, tiếp cận với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép với công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng để những phận đời khó khăn tìm được giải pháp tốt nhất hòa nhập cộng đồng”-bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm