Xã hội

Từ thiện

Trợ giúp xã hội tại bệnh viện: Kết nối lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều bệnh nhân nghèo đã được các y-bác sĩ, điều dưỡng kết nối với những tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ một cách thiết thực. Có thể thấy, hệ thống trợ giúp xã hội tại các bệnh viện đang ngày càng được quan tâm, phát triển, qua đó giúp đỡ những đối tượng yếu thế trong cộng đồng. 
Lan tỏa sự sẻ chia
Những ngày đầu tháng 9-2018, Ban Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã kêu gọi giúp đỡ 2 bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Đó là trường hợp bệnh nhân Rơ Lan Nêm (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) bị cây bật gốc đè gây chấn thương cột sống, có nguy cơ liệt toàn thân. Trường hợp thứ 2 là vợ chồng anh chị Rcăm La và Ksor Nhúi (buôn Chinh, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa), khi đang nấu cơm trưa ở chòi rẫy thì chẳng may can xăng để gần đó bị đổ gây cháy khiến chị Ksor Nhúi tử vong trên đường đi cấp cứu, còn anh La cũng bị bỏng gần 70% cơ thể.
 Các y-bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu. Ảnh: Đ.Y
Các y-bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu. Ảnh: Đ.Y
Cả 2 trường hợp trên đều không tham gia bảo hiểm y tế nhưng chỉ vài ngày sau khi vào viện, nhờ các y-bác sĩ, điều dưỡng kết nối với những tấm lòng hảo tâm mà họ đã hoàn thành thủ tục để được hỗ trợ viện phí. Chia sẻ khó khăn với người bệnh, chị Nguyễn Thị Thanh Phương-điều dưỡng viên Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã kết nối với Quỹ Tự phát Pleiku, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Gia Khang, Cà phê Thanh Lan (TP. Pleiku)... hỗ trợ bệnh nhân Nêm đủ số tiền phẫu thuật. Sau khi được đặt nẹp vít cố định đốt sống lưng, ngày 16-9, anh Nêm được xuất viện về nhà điều trị ngoại trú, đồng thời còn được hỗ trợ chuyến taxi miễn phí từ Bệnh viện về tới làng Tung. Còn với trường hợp anh Rcăm La, mọi hồ sơ, thủ tục và viện phí cũng được các cá nhân hảo tâm và Bệnh viện giúp đỡ khi anh phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị do bị bỏng sâu.
Nhớ lại lúc được các bác sĩ thông báo cho ra viện, Rơ Lan Nêm xúc động: “Mình không bao giờ quên ơn các y-bác sĩ và những tấm lòng hảo tâm đến với mình lúc khốn khó bệnh tật. Không biết bao giờ mình mới trả được ơn này”. Nằm trên giường bệnh, anh Rcăm La cũng rơm rớm nước mắt, chia sẻ: “Bỗng chốc gia đình ly tán, vợ chết, con cái nheo nhóc, mình thì phải nằm đây điều trị. Nếu không có các thầy thuốc, những tấm lòng hảo tâm quan tâm giúp đỡ thì chưa chắc mình còn sống được đến giờ”.
Theo bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh có Ban Công tác xã hội. Ra đời 10 năm nay, Ban luôn nỗ lực kết nối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. Bệnh viện còn thường xuyên hỗ trợ chạy thận miễn phí, miễn tiền xe chuyển viện cho bệnh nhân nghèo; phối hợp thực hiện những đợt khám, cấp phát thuốc ở vùng sâu, vùng xa. “Nếu không có hoạt động xã hội trợ sức, Bệnh viện không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như thời gian qua”-bác sĩ Phạm Bá Mỹ chia sẻ.
Khi cộng đồng chung tay 
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1854/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trong giai đoạn 2018-2020. Đây là cơ sở để tăng cường công tác phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; giảm khoảng cách về giới, qua đó giúp các đối tượng yếu thế được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn hoặc được hỗ trợ thông qua các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh cũng đã chủ động kêu gọi, kết nối với những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Những suất cơm, cháo từ thiện tưởng hết sức bình thường nhưng đối với bệnh nhân và người nhà nhiều khi lại rất kịp thời, thiết thực. 
Bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh-cho biết: Đa số các gia đình có người mắc bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Do đó, Bệnh viện đã tìm cách kết nối với những tấm lòng hảo tâm để giúp bệnh nhân có thêm điều kiện chữa trị. Nhờ làm tốt công tác xã hội mà hàng trăm bệnh nhân tâm thần được hỗ trợ chi phí điều trị, hàng ngàn suất ăn miễn phí được trao tận tay người bệnh nghèo”-bác sĩ Võ Đình Hiệp chia sẻ.
Nhiều năm nay, anh Lê Miền Nam-chủ quán cà phê Gia Lê (TP. Pleiku) là người thường xuyên giữ liên hệ với chùa Long Phước (TP. Hồ Chí Minh) để duy trì 2 bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh. Trò chuyện với P.V, anh Nam cho biết: Do bếp ăn Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh còn ít bệnh nhân nên chưa đi vào hoạt động; còn bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Nhi tỉnh thì từ thứ hai đến thứ sáu phục vụ 200 suất cơm, cháo miễn phí/ngày cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. “Với mong muốn san sẻ một phần khó khăn cho những bệnh nhân nghèo, bếp ăn từ thiện được duy trì thường xuyên. Nhiều lúc hết kinh phí thì gia đình tôi lại bỏ tiền túi ra mua gạo, thực phẩm để kịp thời phục vụ bệnh nhân và người nhà”-anh Nam tâm sự.
Với những y-bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, họ đều sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo. “Người làm công tác xã hội phải rất tỉnh táo, trong sáng để nguồn ủng hộ đến đúng người, đúng địa chỉ, tránh trường hợp lợi dụng lòng tốt của người khác để tư lợi”-điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Phương bày tỏ.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm