Điểm đến Gia Lai

Trở lại chiến khu Xóm Ké

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Được sự giúp đỡ của cán bộ xã Song An, chúng tôi về thăm lại chiến khu Xóm Ké-nơi làm việc của cơ quan kháng chiến huyện An Khê (tỉnh Gia Lai) trong kháng chiến chống Pháp. 
Đường vào chiến khu xưa khá vất vả, dù di tích chỉ cách trung tâm thị xã An Khê khoảng 15 km về phía Đông Bắc và cách trung tâm xã Song An khoảng 5 km. Xe ô tô vào đến thôn Thượng An 3 thì phải dừng lại, chúng tôi lội bộ băng qua ngọn đồi trồng keo để đến một thung lũng dưới chân núi Ông Bình, nơi có dòng suối Ké róc rách chảy qua. Chúng tôi dừng chân nghỉ dưới cây đa cổ thụ bên dòng suối. Anh Dương Thành Ngộ-Trưởng thôn Thượng An 3-cho biết: Đây là địa điểm chính của chiến khu xưa, là trung tâm của di tích Xóm Ké. Nhà báo Lê Đình Ninh, cùng đoàn chúng tôi, người từng đến địa danh này cách đây 10 năm, cảm thấy bỡ ngỡ trước cảnh vật đã thay đổi nhiều vì người dân địa phương đã xâm canh trồng keo phủ kín đất đồi xung quanh. Các dấu tích của chiến khu một thời giờ đây chỉ còn lại con suối Ké và cây đa cổ thụ. 
Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chọn vùng Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ địa để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa nông dân vào cuối thế kỷ XVIII thì vùng Cửu An, Song An bấy giờ thuộc ấp Tây Sơn Nhì, nơi có nhiều rừng núi bao quanh, có vị trí hiểm trở tiếp giáp với vùng Hạ đạo được ngăn cách bởi đèo Mang (đèo An Khê). Hiện nay, tại vùng đất này còn cụm di tích: Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké. Ngày ấy, nơi đây là địa điểm thuận lợi để tích trữ quân lương, khí tài, huấn luyện nghĩa quân nhằm chuẩn bị mọi điều kiện để hạ sơn, tiến về đồng bằng. Sau này, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân An Khê đã tiếp tục chọn địa danh Xóm Ké làm chiến khu để chống lại kẻ thù. Ngoài thế đất an toàn, thuận lợi trong việc tiến công địch, Xóm Ké còn có thế mạnh về tinh thần quật khởi của nghĩa quân Tây Sơn một thời. Viết về chiến khu Xóm Ké trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Lịch sử Đảng bộ tỉnh 1945-2005 đã ghi: “Chiến khu Xóm Ké là nơi làm việc của cơ quan kháng chiến huyện An Khê (có lúc được sử dụng làm cơ quan chỉ đạo tiền phương của tỉnh Gia Lai) từ năm 1946 đến 1950. Quân và dân chiến khu Xóm Ké đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu, đánh bại hàng chục cuộc càn quét quy mô cấp tiểu đoàn của địch, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo của huyện và tỉnh. Chiến khu Xóm Ké là niềm tự hào của Nhân dân An Khê, là cái gai vô cùng nhức nhối trước mắt thực dân Pháp”.
Cây đa cổ thụ ở chiến khu Xóm Ké. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Cây đa cổ thụ ở chiến khu Xóm Ké. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Chiến khu Xóm Ké còn là nơi in tờ báo Sáng-cơ quan ngôn luận của Đảng bộ địa phương khi mới bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Người trực tiếp in báo Đảng bộ bằng thạch bản bấy giờ là ông Nguyễn Thái Thưởng. Tôi còn nhớ, ông Thưởng đã từng kể lại chi tiết khi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ tỉnh tổ chức xuất bản tờ báo Sáng ở Xóm Ké để tuyên truyền, kêu gọi đồng bào các dân tộc đoàn kết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ buôn làng.
Trở lại Xóm Ké lần này, mặc dù những chứng tích như nền nhà, công sự, điểm chốt trong thời chống Pháp dường như không còn lại gì nhưng khung cảnh thiên nhiên núi rừng trong dãy Trụ Lĩnh, trong đó những di tích như: Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào vẫn hiên ngang sừng sững cùng đất trời Tây Sơn Thượng đạo. Dòng suối Ké vẫn chảy qua bao ngọn đồi, tưới mát cho những mảnh ruộng ven đồi, rồi đổ về sông Ba kỳ vĩ. Ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao thị xã An Khê đã kể cho chúng tôi nghe về chuyến điền dã tìm lại di tích thời Tây Sơn ở dưới chân núi Ông Bình, Ông Nhược năm nào. Trong chuyến đi này, ông đã phát hiện nhiều hang động như hang Tối Trời, Vô Đáy nhưng không có điều kiện để khám phá sâu hơn. Trước đây, trong cuốn “Nước non Bình Định”, ông Quách Tấn đã có nhắc đến một hang đá nằm sâu trong lòng núi Ông Bình. Nơi đây, xưa kia anh em Tây Sơn thường làm nơi trú ẩn khi cần thiết. Đến thời phong trào Cần Vương, chí sĩ Mai Xuân Thưởng (1860-1887) cũng đã có lần ẩn trú ở hang này.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc xúc tiến bảo vệ và trùng tu các di tích văn hóa-lịch sử trên đất An Khê, ngành Văn hóa tỉnh cùng với chính quyền địa phương cần tiếp tục khảo sát, đặt bia di tích ở các địa chỉ Gò Kho, Xóm Ké; đồng thời, tổ chức những chuyến điền dã để tìm những di chỉ hang động cũng như các di chỉ khác mà sử sách đề cập hay người dân phát hiện. Trên cơ sở đó lập hồ sơ và quảng bá hình ảnh đất và người An Khê nhằm kêu gọi sự đầu tư và phát triển du lịch trên mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo giàu tiềm năng này.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm