Khách hàng vay 9.402 tỉ đồng, bà Hứa Thị Phấn buộc ký trước giấy tờ đã nhận đủ tiền nhưng sau đó chỉ giải ngân 3.936,996 tỉ đồng; số còn lại, bà chỉ đạo dùng "nghiệp vụ ngân hàng" rút ra để chi dùng vào mục đích riêng, trái phép.
Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm |
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng (NH) Đại Tín (TrustBank - tiền thân của NH CB hiện nay), nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ - cùng các đồng phạm sẽ phải ra trước vành móng ngựa vào ngày 8-5 vì tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Phiên tòa do TAND TP HCM xét xử, sẽ kéo dài đến ngày 30-5.
Bị can Hứa Thị Phấn (SN 1947) đã cáo bệnh từ khi bị khởi tố, được xác nhận mất tới 93% sức khỏe do mắc cùng lúc nhiều loại bệnh nặng, có thể sẽ không đến tòa theo lệnh triệu tập. Tuy nhiên, nội dung lời khai nhiều lần của bà Phấn trước đó và lời khai của 14 bị can khác trong vụ án này với cơ quan điều tra cùng toàn bộ hồ sơ, chứng từ tín dụng còn lưu trữ đã đủ làm cơ sở để tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà ta.
Trong vụ án này, Công ty Phương Trang bị bà Hứa Thị Phấn bẫy vào tròng, tình ngay lý gian. Kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cáo trạng của VKSND Tối cao vừa ban hành đã vạch trần chiêu trò của bà Phấn cùng đồng bọn, qua đó làm rõ thực hư món nợ hàng ngàn tỉ đồng của Công ty Phương Trang đối với NH Đại Tín.
Cụ thể, năm 2010, do cần nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh, đại diện lãnh đạo Công ty Phương Trang tìm đến NH Đại Tín đề nghị vay tiền, được "bà cố vấn" Hứa Thị Phấn giúp đỡ.
Thấy Phương Trang có nhiều bất động sản dùng làm tài sản bảo đảm, bà Phấn chỉ đạo cấp dưới buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Số tiền Công ty Phương Trang vay của NH Đại Tín thể hiện trên hồ sơ ký trước - giải ngân sau là 9.402 tỉ đồng. Tuy nhiên, NH Đại Tín chỉ giải ngân cho bên vay 3.936,996 tỉ đồng; 5.465,004 tỉ đồng còn lại, bà Phấn lấy sử dụng (hết hơn 5.250 tỉ đồng) mà không hề giải ngân cho Công ty Phương Trang.
Để che giấu hành vi phạm tội, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ NH Đại Tín, toàn quyền chi phối và điều hành NH này, bà Phấn đã chỉ đạo nhiều cán bộ, nhân viên lập các chứng từ chi khống cấn trừ với các chứng từ thu khống nhằm không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán; khi phê duyệt hồ sơ vay không hề báo cho Công ty Phương Trang. Thủ đoạn giao dịch ảo và hạch toán khống được nhóm "phù thủy" của NH Đại Tín thực hiện tinh vi trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.
Bằng các xảo thuật đó, Hứa Thị Phấn đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang qua các khoản vay với tổng số tiền hơn 5.250 tỉ đồng. Số tiền này được nhóm Hứa Thị Phấn sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Về phía Phương Trang, tính đến ngày 15-11-2017, theo sổ sách tại NH CB, công ty này còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là 9.402 tỉ đồng. Các cơ quan tố tụng đã làm rõ: Trong số dư nợ nêu trên, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.936,996 tỉ đồng (từ NH Đại Tín) và phải có trách nhiệm tất toán khoản này cho NH cùng lãi phát sinh. Phần tiền còn lại - do bà Hứa Thị Phấn "đạo diễn" thu khống, không hề giải ngân cho Công ty Phương Trang mà đem chi xài vào mục đích riêng, trái phép - Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao kết luận: bị can này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm!
Nạn nhân mong được đối xử công bằng! Sau khi bị cú lừa "trời giáng", từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã có đơn tố cáo nhóm Hứa Thị Phấn. Không chỉ chịu hàm oan "ký vay trước - nhận tiền sau" song bị giải ngân thiếu đến hơn 5.400 tỉ đồng trong suốt nhiều năm, kể từ khi vướng vào vụ án này, hoạt động của công ty - nhất là nguồn vốn - gặp nhiều khó khăn do hàng loạt bất động sản bị kê biên. 21 bất động sản ở TP HCM, 21 bất động sản ở Đà Nẵng, 2 bất động sản ở Long An và 221 xe các loại (đều thuộc sở hữu Công ty Phương Trang) vào năm 2010 (thời điểm vay tiền của NH Đại Tín) được NH định giá hơn 14.528 tỉ đồng. Đến nay, thị giá của số tài sản bị kê biên kể trên đã tăng thêm gấp 4-5 lần. Công ty Phương Trang rất mong được "đối xử công bằng" để sớm đưa hoạt động kinh doanh vào quỹ đạo, đúng pháp luật. |
Theo NLĐO