Bạn đọc

Trồng cây di thực: Hiểm họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân chuyên buôn bán cây cảnh gọi việc đào bứng những cây to trong tự nhiên đem trồng chỗ khác theo yêu cầu của khách hàng là cây... di thực. Ta tạm chấp nhận như vậy bởi thuật ngữ “di thực” là để chỉ việc dẫn giống, phát triển một loài cây nào đó từ bản địa đến khu vực trồng trọt mới như cây cao su ở nước ta chẳng hạn.
Thời gian gần đây, tâm lý nóng vội ảnh hưởng khá nhiều đến mảng cảnh quan nhân tạo. Cây xanh luôn là yếu tố không thể thiếu, để trồng một cây lớn từ cây giống cần hàng chục năm mới đạt chiều cao mong muốn. Nhanh nhất là đào bứng cây lớn sẵn có trong tự nhiên đem về trồng. Xu hướng này hiện khá phổ biến. 
Người ta đua nhau bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua cây to về, những mong trong chớp mắt, mảnh đất, khu vườn của mình đã có cây cao bóng cả. Tôi đã từng chứng kiến việc 1 chiếc xe đầu kéo “di thực” 1 cây có đường kính cả mét về phố. Cái bầu bên dưới cây nhỏ, liệu chừng chỉ hơn gấp đôi đường kính gốc nên chắc chắn rễ cọc của cây không còn nữa. Bằng kỹ thuật thúc ra rễ, sau khi trồng lại, các cây này thường có tỷ lệ sống cao. Những gốc cây được khai thác đa số đều có đường kính từ 30 đến 50 cm trở lên.
Ảnh minh họa: Internet
Nhằm khai thác được những cây có kích thước lớn, người ta lập nhóm từ 3 đến 5 người, dùng xà beng, kích hơi, dao, cưa lốc, búa… để đào, chặt cành, cắt rễ và hạ các cây xung quanh, dọn đường thoáng đưa cây ra tránh bị va đập, làm trầy xước vỏ, thân cây thì bán mới được giá cao. Riêng khâu khai thác đã thấy hệ lụy tiêu cực cho tự nhiên là như thế nào rồi! 
Chuyện sẽ không đơn giản khi nghĩ đến sự an toàn của các loài cây được định vị cạnh nhà ở, trong trường học, ở những khu vực công cộng, nhà hàng, quán cà phê… Trong tự nhiên, bộ rễ phát triển tương ứng với thân, cây cao bao nhiêu, rễ cọc cũng ăn vào đất với độ sâu tương đương, tán rộng bao nhiêu, hệ rễ cũng lan ra từng ấy. Chính sự cân bằng này giúp cây đứng vững trước tác động của gió bão.
Trồng cây với 1 bộ rễ bị cắt cụt, chỉ còn cho có, từ đó cây heo hắt mà tồn tại; có thể ví von như việc xây ngôi nhà 5 tầng trên 1 bộ móng của nhà cấp 4. Nguy cơ đổ ngã sẽ càng rõ mồn một khi cây phát triển tán lá, tăng tiết diện đón gió. Thiệt hại từ cây đổ trong thời gian qua đều do bộ rễ gốc không phát triển đủ mức cần thiết về kích thước tương xứng.
Trước đây, tại TP. Pleiku đã có tranh luận khá gay gắt về chuyện trồng cây thông lớn trên vỉa hè. Ý kiến phản biện cho rằng, các cá thể trồng mới này kém phát triển vì không có rễ cọc và khả năng đổ ngã là rất lớn.
Hiện nay, các tuyến đường chính vẫn đang trồng lấy bóng mát bằng một số loại cây như: sao, dầu khá lớn. Thực ra, nếu đừng quá sốt ruột, chọn tuổi cây giống phù hợp với đường kính gốc khoảng 5 cm, chiều cao 2-3 m bảo đảm hệ rễ còn đầy đủ cấu trúc cần có thì chỉ sau 5 năm, cảnh quan phố vẫn xanh như mong muốn mà yếu tố an toàn làm người ta yên tâm hơn nhiều.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm