Kinh tế

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh Gia Lai mới trồng được trên 2.550 ha rừng (gần 2.050 ha rừng tập trung và hơn 500 ha cây phân tán), đạt 24,7% kế hoạch. Con số thống kê đó nói lên sự chậm trễ trong công tác chỉ đạo trồng rừng của các cấp chính quyền.

Theo kế hoạch, năm 2024, toàn tỉnh sẽ trồng 10.313 ha rừng, trong đó, 8,5 ngàn ha rừng tập trung, số còn lại là cây phân tán. Rừng trồng tập trung gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Chúng tôi được biết, rừng trồng tập trung được giao cho các đơn vị chuyên ngành là chủ yếu; còn cây phân tán thì giao các địa phương vận động người dân trồng.

Dù là “ở rừng”, nhưng việc trồng cây gây rừng của nhiều cộng đồng làng có vẻ như chưa thành “tập tục”. Nhiều làng Bahnar, Jrai có dịp chúng tôi đến thăm, cả làng không một bóng cây cho bóng mát. Hỏi ra thì giật mình... bà con nói không biết trồng cây gì.

Nhiều vườn rẫy, trang trại trồng cây mắc ca ở huyện Kbang phát triển rất tốt. Ảnh: Đ.M.P

Nhiều vườn rẫy, trang trại trồng cây mắc ca ở huyện Kbang phát triển rất tốt. Ảnh: Đ.M.P

Sinh thời, Bác Hồ dạy: Vì lợi ích mười năm trồng cây. Thiết nghĩ, cán bộ cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trồng “cây gì” sao cho có lợi, vừa là đem lại kế sinh nhai, vừa có bóng mát. Tùy theo từng vùng đất, từng vùng thời tiết, khí hậu mà hướng dẫn cho người dân trồng cây phù hợp, đơn cử như cây mắc ca. Chúng tôi dạo quanh một số khu vực vườn rẫy của bà con xã Gào (TP. Pleiku), thấy bà con người Kinh trồng cây mắc ca phát triển rất tốt, 4 năm đã cho quả.

Ở Kbang, nhiều vườn rẫy, trang trại trồng cây mắc ca cũng phát triển rất tốt. Chúng tôi được biết trước đây, khi cây mắc ca được Chính phủ cho phép nhập khẩu và trồng thí nghiệm ở một số vùng Tây Nguyên và Tây Bắc thì huyện Kbang được tỉnh chọn trồng thí điểm 500 ha; một số nơi khác như Chư Pưh, Chư Păh, Pleiku cũng trồng, mỗi địa phương vài ba trăm héc ta.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 14/17 huyện, thị xã, thành phố trồng mắc ca với tổng diện tích 3.992 ha, đạt 97,8% so với kế hoạch dự kiến đến năm 2030 (4.045 ha). Riêng huyện Kbang có 13/15 xã, thị trấn trồng cây mắc ca. Đến hết năm 2023, toàn huyện trồng 3.200 ha, chủ yếu là bà con nông dân người Kinh trồng xen trong các vườn rẫy với các loại cây công nghiệp khác.

Như nói trên, cây mắc ca có thể trồng như trồng rừng, vừa đảm bảo độ che phủ, lại cho nguồn thu, giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu trên chính mảnh vườn của mình. Bà con có thể trồng cây mắc ca trong làng, ngoài rẫy hoặc trồng xen với các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Mắc ca là cây thân gỗ, tán rộng, độ che phủ lớn, chu kỳ cho thu hoạch 50-60 năm kể từ khi trồng, lại dễ trồng và dễ chăm sóc. Hiện tại, hạt mắc ca được thị trường tiêu thụ mạnh.

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Kết quả tổng hợp đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng cây mắc ca của cả nước là 46.241 ha (vùng Tây Bắc 16.241 ha, vùng Tây Nguyên 27.334 ha, vùng khác 2.634 ha), đạt 30,8-35,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2030 (130.000-150.000 ha) và 60,7% so với kế hoạch của các tỉnh vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 14/17 huyện, thị xã, thành phố trồng mắc ca với tổng diện tích 3.992 ha. Ảnh: Đ.M.P

Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 14/17 huyện, thị xã, thành phố trồng mắc ca với tổng diện tích 3.992 ha. Ảnh: Đ.M.P

Theo Công văn số 1380/SNNPTNT-CCKL ngày 19-4-2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích mắc ca toàn tỉnh là 3.991,63/4.045 ha (đạt 98,7% kế hoạch) và bước đầu đánh giá cây mắc ca thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Việc tỉnh tiếp tục triển khai trồng mắc ca trên đất quy hoạch rừng sản xuất và trồng xen trong vườn cà phê là phù hợp với quan điểm và mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, có thể khẳng định trồng cây mắc ca thay thế trồng rừng trên diện tích quy hoạch trồng rừng sản xuất tập trung hoặc trồng cây phân tán, nhất là vận động, hướng dẫn, cung cấp cây giống cho bà con dân tộc thiểu số trồng loại cây có giá trị kinh tế cao này ngay trong vườn nhà, rẫy, gia trại, trang trại...

Cũng có thể thí điểm cho trồng cây mắc ca trên vùng đất trống trong dự án 50.000 ha cao su thay thế rừng nghèo trước đây. Nhưng hiện nay, cả diện tích cao su bị chết và kém phát triển là 17.000/25.500 ha diện tích cây cao su đã trồng không tồn tại nữa bởi đất đai thổ nhưỡng, thời tiết không phù hợp với cây cao su.

Nếu cây mắc ca có hiệu quả thì rất tốt, bởi “tác dụng kép” vừa phủ xanh đất trống, tạo ra những cánh rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao thay vì chỉ trồng sản xuất (lấy gỗ). Người viết có ý kiến nhỏ vậy, phần còn lại các nhà khoa học nông-lâm nghiệp tỉnh nhà nghiên cứu, kết luận.

Có thể bạn quan tâm