Kinh tế

Trồng điều kết hợp chăn nuôi cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng cách tận dụng diện tích vườn điều để chăn nuôi thêm bò, dê và heo rừng lai, gia đình ông Đinh Công Thưởng (thôn 6, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) đã thu về mỗi năm hơn 600 triệu đồng.
Năm 1997, gia đình ông Thưởng rời quê hương Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) vào xã Ia Piơr lập nghiệp với số tiền mang theo gần 30 triệu đồng. Ông dùng 12 triệu đồng để mua 5 ha đất trống cách trung tâm xã chừng 4 km. Số tiền còn lại, ông dựng nhà, mua cây cao su giống và thuê người trồng. “Sau 7 năm chăm sóc, cao su bắt đầu cho khai thác. Nhưng cạo thì không có mủ, mà cứ mở miệng cạo cây nào là vài ngày sau cây đó chết. Ban đầu, tôi nghĩ có thể do kỹ thuật cạo nhưng không phải, nguyên nhân là do chất đất không phù hợp. Xót của nhưng tôi buộc phải chặt bỏ cao su để trồng điều”-ông Thưởng cho hay.
 Ông Đinh Công Thưởng (bìa phải) giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình. Ảnh: P.D
Ông Đinh Công Thưởng (bìa phải) giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình. Ảnh: P.D
Ngay sau khi trồng điều, ông Thưởng đầu tư làm thêm chuồng trại và mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 4 cặp bò giống về nuôi, mỗi cặp trị giá 8 triệu đồng. Ông Thưởng giải thích: “Nếu chỉ trông vào ruộng vườn thì thu nhập không cao. Do đó, tôi tận dụng diện tích vườn điều để chăn nuôi bò”. Từ 4 cặp bò, có thời điểm, đàn bò của gia đình ông lên tới 80 con.
Ngoài chăn nuôi bò, 2 năm trở lại đây, ông Thưởng còn đầu tư mở rộng trang trại để nuôi thêm dê cỏ và dê Bách Thảo. Theo ông, nuôi dê nhàn hơn nuôi bò vì thức ăn chủ yếu trong tự nhiên. Dê cũng ít bệnh tật hơn bò, chỉ cần làm chuồng trại cao ráo, vệ sinh sạch sẽ. “Cứ 2 năm thì dê sinh sản khoảng 3 lứa. Bình quân mỗi năm, tôi xuất khoảng 35 con dê, mỗi con trung bình 15 kg, giá bán 120 ngàn đồng/kg. Năm vừa rồi, tôi mới bán bớt bò, dê nên hiện tại trang trại chỉ còn khoảng 40 con bò, 50 con dê. Để chăn thả bò và dê, tôi phải thuê 4 lao động với tiền công hơn 3 triệu đồng/người/tháng”-ông Thưởng nói.
Ngoài chăn nuôi bò,dê ông Thưởng còn nuôi thêm heo rừng. Ảnh: Phương Dung
Ngoài chăn nuôi bò, dê ông Thưởng còn nuôi thêm heo rừng. Ảnh: Phương Dung
Chở chúng tôi từ rẫy điều về lại nhà bằng chiếc ô tô 7 chỗ, ông Thưởng cười vui: “Ở ngoài quê, đất đai canh tác ít lại nằm ở lưng chừng đồi núi nên chỉ có thể đi bộ và mang vác các vật dụng trên vai. Ở đây thì khác, đường sá thuận lợi, việc canh tác cũng có máy móc hỗ trợ tối đa nên 2 năm trở lại đây, tôi đã mua được ô tô để đi lại”.
Ông Thưởng trao đổi thêm: “Để cây điều cho năng suất cao, hàng năm, tôi đều thuê người cắt cành, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và chọn thời điểm thích hợp, thường là đầu và cuối mùa mưa thì bón phân để kích thích cây ra trái, chắc hạt. Nhờ đó, 5 ha điều của gia đình tôi đã 17 năm tuổi song vẫn cho năng suất cao. Năm vừa rồi, tôi thu 300 triệu đồng từ vườn điều”. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 1,2 ha lúa nước và chăn nuôi thêm 10 con heo rừng lai, hơn 100 con chim bồ câu Pháp. Tổng thu nhập bình quân của gia đình ông mỗi năm đạt trên 600 triệu đồng. Năm 2019, ông Thưởng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2019.
 PHƯƠNG DUNG 

Có thể bạn quan tâm