Kinh tế

Trồng hồ tiêu không theo quy hoạch: Nông dân sẽ trả giá đắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến năm 2015 là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ngần ấy diện tích. Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 11.734 ha. Trong đó, tiêu kinh doanh 7.530 ha, tiêu kiến thiết cơ bản 3.715 ha, tiêu trồng mới 489 ha. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 ha.

 

Nguyên nhân của tình trạng phá vỡ quy hoạch này là do những năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục tăng cao nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng (từ 95.000 đồng lên đến hơn 200.000 đồng/kg), nông dân ồ ạt trồng tiêu mà không tính đến hậu quả. Nhiều vườn tiêu mới trồng tại những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại dẫn đến giảm năng suất. Với việc phát triển cây tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, nông dân đổ xô mua đất để trồng hồ tiêu diễn ra rất phổ biến và trên phạm vi rộng. Không còn đất sản xuất, nhiều hộ dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Chư Pưh, Chư Sê tìm đến huyện Mang Yang, Đak Đoa mua đất để trồng hồ tiêu. Ông Huỳnh Thế Khiển (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết: Đất đai ở Mang Yang, Đak Đoa còn khá nhiều, sâu bệnh chưa xuất hiện, tình trạng tiêu chết ở vùng này rất thấp nên chúng tôi sang đây mua đất trồng. Do người dân ồ ạt sang mua đất trồng hồ tiêu ở Mang Yang nên vụ mùa năm nay, diện tích tiêu trồng mới tại địa bàn này đã tăng đột biến. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, đầu năm 2014, diện tích trồng mới gần 110 ha và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nói: “Hồ tiêu là cây trồng lâu năm, chúng ta không thể hướng theo giá 1 năm để trồng tiêu. Nếu không kiềm chế, vài năm nữa sẽ trả giá đắt”. Việc phát triển ồ ạt diện tích tiêu đã phá vỡ quy hoạch một cách nghiêm trọng, thêm vào đó quy trình trồng và chăm sóc của nông dân chưa hợp lý đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong sản xuất, tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang diễn biến phức tạp mà chưa có biện pháp điều trị triệt để nên rất dễ lây lan trên diện rộng.

Phát biểu tại Hội nghị công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững tổ chức tại Gia Lai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Gia Lai nói riêng, các địa phương có trồng tiêu nói chung căn cứ vào quy hoạch phát triển hồ tiêu đã được Bộ phê duyệt, cần có biện pháp quyết liệt hơn để cây hồ tiêu phát triển bền vững, phải quy hoạch diện tích trồng tiêu, phải tính toán trên cơ sở dài hạn. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật phải sớm ban hành quy trình trồng tiêu, quy trình phòng trừ dịch bệnh trước 30-12-2014, hướng dẫn quy trình sản xuất, bón phân, trồng tiêu để các địa phương hướng dẫn cho nông dân áp dụng sản xuất; sớm nhanh chóng thành lập trung tâm nguyên cứu cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên. Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường kinh phí khuyến nông trên cây tiêu để hướng dẫn nông dân sản xuất bền vững.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm