Kinh tế

Trồng mít Thái cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng mít Thái, gia đình anh Đào Thanh Khơ (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đã thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mít Thái của gia đình, anh Khơ cho biết: Năm 2012, vợ chồng anh dự định chuyển đổi 6 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, sau chuyến thăm người quen tại tỉnh Đak Lak, thấy mô hình trồng bơ, sầu riêng, mít Thái cho thu nhập cao, vợ chồng anh quyết định không trồng hồ tiêu mà chuyển sang trồng 300 cây mít Thái và 150 cây bơ booth. “Thấy vợ chồng tôi phá bỏ vườn cà phê để trồng mít Thái, nhiều người trong thôn cho rằng, trồng mít để ăn thì được chứ kinh doanh thì không khả thi. Thế nhưng, tôi vẫn quyết làm. Gia đình tôi là hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê để trồng mít Thái với số lượng lớn”-anh  Khơ chia sẻ.

 

Vườn mít của gia đình Đào Thanh Khơ cho thu nhập cao. Ảnh: L.T
Vườn mít của gia đình Đào Thanh Khơ cho thu nhập cao. Ảnh: L.T

Theo anh Khơ, trồng mít Thái không khó vì loại cây này thích hợp với nhiều loại đất khác nhau. Mít Thái trồng rất nhanh cho quả, chỉ sau 18 tháng sẽ cho thu hoạch. Muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non, không để rêu xanh bám vào cây, thường xuyên cắt tỉa cành hư. “Khi mới trồng, tôi cũng lo lắm, sợ mít không cho trái. Nhưng được 1 năm thì mít đã ra quả. Đọc trên sách báo thấy nói năm đầu không nên để lại quả nhiều, cây mít sẽ không có sức nên vợ chồng tôi tỉa gần hết, chỉ để lại mỗi cây 2-3 quả. Khi thu hoạch được những trái mít chín, múi to, thơm ngon, vợ chồng tôi mừng lắm”-anh Khơ cho biết.

Giờ đây, vườn mít Thái của gia đình anh Khơ đã được 5 năm tuổi và cho thu hoạch mùa thứ 3. Mỗi năm, mít cho thu 2 đợt chính, còn lại thu lai rai cả năm. Loại mít này cho trái to, mỗi trái nặng 7-15 kg. Tính bình quân mỗi cây mít Thái cho 70-80 kg quả/năm thì vườn mít 300 gốc của gia đình anh Khơ cho thu hoạch khoảng 24 tấn/năm. Với giá bán tại vườn vào khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, gia đình anh thu về 240-280 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

“Trồng mít Thái cho thu nhập cao hơn nhiều so với cà phê hay các loại cây trồng khác nhờ chi phí thấp, ít phải sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật và cũng tốn ít công chăm sóc, thu hoạch. Hơn nữa, đầu ra sản phẩm lại ổn định. Hiện có nhiều nhà máy chế biến mít sấy nên mít Thái của gia đình tôi bán rất chạy. Ngoài bán mít chín cây tại vườn cho người dân trong xã, trong huyện, gia đình tôi còn bán cho các thương lái mang đi các tỉnh thành khác tiêu thụ”-anh Khơ cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dreng, cho hay: “Anh Khơ là một trong những hộ nông dân đầu tiên trên địa bàn xã mạnh dạn trồng mít Thái. Đến nay, mô hình này của gia đình anh đã cho hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã đang hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích cà phê cằn cỗi và diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, Hội cũng khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt một loại cây nào và nên lựa chọn giống cây có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, Hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây ăn trái và giúp người dân tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch”.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm