TN - Đất & Người

Trồng ngô chẳng cần bẻ bắp, vì sao dân ở vùng này của Đắk Lắk ngày càng có nhiều người ham?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thời gian thực nghiệm, mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp cho nông dân xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi trên diện tích 5,7 ha của 12 hộ dân. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 70% giống, 70% phân bón và tập huấn quy trình kỹ thuật.
 

Mô hình trồng ngô sinh khối đang được nông dân xã Xuân Phú ((huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nhân rộng.
Mô hình trồng ngô sinh khối đang được nông dân xã Xuân Phú ((huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nhân rộng.


Mô hình sử dụng giống ngô NK7328 Bt/GT - giống biến đổi gen của Syngenta, với nhiều ưu điểm: sinh trưởng rất nhanh, ít nhiễm sâu bệnh, sức chống chịu tốt, năng suất cao và giàu dinh dưỡng…

Ngô sinh khối có đặc điểm thân to, bộ rễ chân kiềng phát triển, có khả năng chống đổ. Cây được trồng lấy thân, lá, bắp non làm thức ăn thô xanh cho gia súc. Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối khoảng 80 - 90 ngày, năng suất đạt 48 - 52 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 55 - 60 tấn/ha.

Là một trong 12 hộ tham gia mô hình, anh Phạm Xuân Toàn ở thôn 7 mạnh dạn chuyển đổi 5 sào trồng hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Sau gần 3 tháng chăm sóc, gia đình thu hoạch hơn 25 tấn cây ngô, thu về hơn 25 triệu đồng.

Anh Toàn so sánh: “So với trồng hồ tiêu, trồng ngô sinh khối cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vì vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc, năng suất vượt trội, lại canh tác được nhiều vụ trong năm”. Từ khi trồng ngô sinh khối, anh Toàn chủ động được nguồn thức ăn sạch giàu dinh dưỡng cho 3 con bò, tiết kiệm thời gian chăn thả.

 

Đoàn kiểm tra mô hình trồng ngô sinh khối của hộ anh Phạm Xuân Toàn ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).
Đoàn kiểm tra mô hình trồng ngô sinh khối của hộ anh Phạm Xuân Toàn ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).


Sau khi tham gia mô hình thực nghiệm trồng ngô sinh khối, đây là vụ mùa thứ 2 anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thanh Phong canh tác cây ngô sinh khối trên diện tích 5 sào.

Theo tính toán của anh Tuấn, 5 sào ngô sinh khối mỗi vụ cho thu hoạch 25 - 30 tấn cây ngô, với giá bán dao động 800.000 - 1,2 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí anh Tuấn thu về hơn 20 triệu đồng/vụ, cao hơn so với trồng ngô lấy hạt.

Sau 1 năm triển khai mô hình trồng ngô sinh khối, đến nay toàn xã Xuân Phú có trên 100 nông hộ nhân rộng mô hình với diện tích canh tác từ 3 sào - 1 ha/hộ.

Ông Y Sỹ Buôn Yă, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cho biết, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối đang mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả cho bà con nông dân.

Ngoài giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với ngô lấy hạt, góp phần cải thiện thu nhập, chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Thời gian tới, ngành khuyến nông tỉnh tiếp tục tuyên truyền mở rộng diện tích ngô sinh khối ở các địa phương để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đồng thời, thực hiện liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân.

https://danviet.vn/trong-ngo-chang-can-lay-bap-thi-trong-lam-gi-ma-ngay-cang-nhieu-nguoi-o-dak-lak-doi-tham-gia-20220604003912942.htm

 

Theo Thùy Linh (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm