TN - Đất & Người

Trồng rừng kiểu gì mà "10 cây chết 9" tại huyện nghèo ở Kon Tum, nghe lùng bùng đủ thứ lý do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong năm 2021, nhiều diện tích rừng trồng tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) bị chết hàng loạt, tỷ lệ cây sống sót có nơi chỉ khoảng 10%, tức là cứ trồng 10 cây thì có 9 cây bị chết. Nguyên nhân được chính quyền địa phương xác định do bị gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn…
Ngày 21-11, nguồn tin của PV cho biết, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã có báo cáo gửi Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về tình hình thực hiện chỉ tiêu trồng rừng năm 2021 và 2022 trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo, năm 2021, có 250 hộ dân và 7 cộng đồng trên 11 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 249ha. Cây trồng rừng bao gồm cây thông ba lá và cây sơn tra (loại cây dược liệu có giá trị cao). Khi trồng rừng, người dân được nhà nước hỗ trợ tiền mua cây giống, vật tư nông nghiệp. Sau khi thành rừng, người dân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ sản phẩm cây trồng rừng mang lại.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, qua kiểm tra rừng trồng năm 2021 trên địa bàn thì tỷ lệ cây sống có nơi chỉ đạt 30%. Nguyên nhân khiến rừng trồng chết được huyện Tu Mơ Rông xác định là do bị gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn… 

Diện tích trồng cây sơn tra của người dân chết khô nằm tràn lan trên những quả đồi. Ảnh: H.L
Diện tích trồng cây sơn tra của người dân chết khô nằm tràn lan trên những quả đồi. Ảnh: H.L
Ghi nhận của PV tại tiểu khu 266 (thuộc xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), có 26 hộ dân thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà trồng hơn 33ha rừng sơn tra. Đến nay, những diện tích cây sơn tra chết khô nằm tràn lan trên những quả đồi.
Chị Y Hun (thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà) cho biết, trước đây gia đình có 4.000m2 đất trồng mì nhưng không hiệu quả. Vào tháng 8/2021, chị quyết định chuyển qua trồng cây sơn tra. 
"Tuy nhiên, 5 tháng sau khi trồng, cây sơn tra bị chết một nửa khiến gia đình tôi rất buồn. Gia đình không có vốn để mua cây giống để trồng dặm nên diện tích này chưa thành rừng và chưa được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tôi mong muốn, các cấp ngành hỗ trợ tiền để mua cây giống để trồng dặm", chị Hun bộc bạch.
Theo ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, việc rừng trồng bị chết được xã phát hiện từ đầu năm 2022. Đến nay, xác định đối với diện tích rừng trồng năm 2021, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 40%. Trong đó, cá biệt, có những vườn tỷ lệ cây sống chỉ đạt 10%. 
"Vấn đề hiện nay là nếu không trồng dặm để đảm bảo mật độ cây sống thì sau này sẽ không nghiệm thu thành rừng, bà con sẽ không được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện, số tiền hỗ trợ mỗi ha cho dân trồng rừng là rất thấp và chỉ đủ mua cây giống nên khi cây bị chết, địa phương chưa biết lấy nguồn đâu để hỗ trợ cho dân", ông Khoa chia sẻ.

Theo huyện Tu Mơ Rông, tỷ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 30%. Ảnh: H.L
Theo huyện Tu Mơ Rông, tỷ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 30%. Ảnh: H.L
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để tìm nguồn hỗ trợ trồng dặm và mở rộng diện tích trồng rừng, đơn vị đã kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và được Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hỗ trợ 1 triệu cây thông. Tuy nhiên, các cây giống trồng rừng khác như sơn tra thì vẫn chưa có nguồn để hỗ trợ cho dân.
Theo ông Mạnh, khó khăn lớn nhất của trồng rừng là định mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình chỉ được tối đa 10 triệu đồng/ha. Đây là mức thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Khi cây chết, người dân tự bỏ tiền tái đầu tư, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Việc này khiến dân chưa mặn mà trồng rừng. 
"Do vậy, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân để nâng cao hiệu quả trồng rừng", ông Mạnh nói.
Theo Hoàng Lộc (Dân Việt)
https://danviet.vn/trong-rung-kieu-gi-ma-10-cay-chet-9-tai-huyen-ngheo-o-kon-tum-nghe-lung-bung-du-thu-ly-do-20221121104547607.htm

Có thể bạn quan tâm