Kinh tế

Trồng tiêu bền vững ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua ở Tây Nguyên cây hồ tiêu đã tạo công ăn việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ trồng tiêu. Tuy nhiên, việc canh tác hồ tiêu như hiện nay tại đây vẫn mang tính thiếu bền vững, tình trạng vườn cây ít ổn định, dễ bùng phát các loại sâu bệnh nguy hiểm, tuổi thọ vườn cây giảm dần, làm cho năng suất chất lượng vườn cây nhanh xuống thấp. Chính vì vậy việc triển khai các dự án, mô hình trồng tiêu bền vững là giải pháp quan trọng trong thời gian tới.

 Mô hình “Trồng và thâm canh cây hồ tiêu” bền vững ở Tây Nguyên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình “Trồng và thâm canh cây hồ tiêu” bền vững ở Tây Nguyên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhận biết được điều nay, năm 2011, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tiến hành phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng mô hình trình diễn “Trồng và thâm canh cây hồ tiêu (mô hình thuộc dự án trồng và thâm canh cây hồ tiêu) 22,6 ha với 8 điểm trình diễn (mỗi tỉnh 2 điểm trình diễn) có 90 hộ tham gia (2.400-2.650 m2/hộ); trong đó, Đak Lak có 20 hộ tham gia với 5,3 ha; Gia Lai có 20 hộ (thuộc xã Ia Tiêm và xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) tham gia với 5,3 ha; Bình Phước có 25 hộ tham gia với 6 ha; Bà Rịa-Vũng Tàu có 25 hộ tham gia với  6 ha.

Các mô hình đều được triển khai trên đất đỏ bazan, địa hình bằng phẳng và được trồng bằng giống tiêu Vĩnh Linh; trong đó, trồng tiêu trên trụ sống chiếm 67,2% (huyện Cư Kuin, Đak Lak; huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu; huyện Hớn Quản, Bình Phước); trồng tiêu trên trụ chết chiếm 32,8% (thị xã Buôn Hồ, Đak Lak; huyện Chư Sê, Gia Lai). Sau khi được tập huấn về kỹ thuật, nông dân đều trồng với khoảng cách 2,5 mét x 2,5 mét (1.600 trụ/ha) và được chăm sóc theo đúng quy trình tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do vậy sau 1 tháng trồng, tỷ lệ cây sống ở các mô hình 96,5% và sau 30 tháng tỷ lệ cây sống 100%. Các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt chưa thấy có hiện tượng vàng lá, chết chậm và héo chết nhanh. Năng suất ở các mô hình sau 3 năm trồng đạt 1,95-2,40 tấn tiêu đen/ha, cao hơn sản xuất đại trà 20,2-25% và lãi thuần các mô hình mang lại cao hơn sản xuất đại trà từ 40.386.000 đồng/ha đến 53.686.000 đồng/ha. Mô hình tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững cây hồ tiêu tại địa phương.

Theo báo cáo tổng kết của dự án cho thấy, hồ tiêu tại các điểm triển khai mô hình có tỷ lệ sống rất cao và khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ cây sống sau 1 tháng trồng ở các mô hình trồng trên cây trụ sống là 97%, trên cây trụ chết 96%, các cây chết được trồng ngay trong tháng đầu và trong suốt thời gian chăm sóc các cây chết được trồng dặm kịp thời nên sau 30 tháng trồng tỷ lệ cây sống 100%. Các chỉ tiêu sinh trưởng của cây tiêu ở mô hình đều cao hơn ở đối chứng.

sánh tiêu trồng trên cây trụ sống và trụ chết cho thấy: Chiều cao trung bình cây tiêu trên cây trụ sống cao hơn trụ chết 11 cm, đường kính tán cây tiêu trên cây trụ chết cao hơn trụ sống 2,1 cm và đường kính gốc 0,1 cm. Nhìn chung khí hậu đất đai ở Tây Nguyên tốt hơn nên các chỉ tiêu sinh trưởng của cây tiêu ở Đak Lak, Gia Lai đều tốt hơn ở Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Hiện Việt Nam là nước có sản lượng hồ tiêu đứng đầu thế giới với sản lượng 130.000 tấn, tiêu đen đạt 110.000 tấn với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD. Hồ tiêu tạo việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ trồng tiêu trong những năm qua. Tuy nhiên việc canh tác hồ tiêu như hiện nay mang tính thiếu bền vững, tình trạng vườn cây ít ổn định, dễ bùng phát các loại sâu bệnh nguy hiểm, tuổi thọ vườn cây giảm dần, làm cho năng suất chất lượng vườn cây nhanh xuống thấp.

Riêng kết quả ở Gia Lai, qua báo cáo cho thấy, tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) mô hình trồng tiêu trên cây trụ chết, lãi thuần các mô hình mang lại 115.557.000 đồng/ha, lãi thuần đối chứng (sản xuất đại trà) mang lại 61.405.000 đồng/ha. Lãi thuần các mô hình cao hơn đối chứng (sản xuất đại trà) 54.152.000 đồng/ha. Tại xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) trồng tiêu trên cây trụ chết, lãi thuần các mô hình mang lại 95.057.000 đồng/ha, lãi thuần đối chứng (sản xuất đại trà) mang lại 52.171.000 đồng/ha. Lãi thuần các mô hình cao hơn đối chứng (sản xuất đại trà) 42.886.000 đồng/ha.

Ông Bùi Văn Khánh-Chủ nhiệm dự án trồng và thâm canh cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết: Kinh nghiệm trồng tiêu ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy các bệnh sinh ra từ đất khó có thể giải quyết bằng biện pháp hóa học đơn độc mà các kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao. Một trong các kỹ thuật quan trọng để giúp cây hồ tiêu chống đỡ được bệnh tật, giữ được tính bền vững, ổn định của vườn tiêu là áp dụng quy trình kỹ thuật tổng hợp trồng thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững: trồng một số giống tiêu sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng sản phẩm hồ tiêu tốt đồng thời có khả năng kháng được bệnh. Trồng xen cây trụ sống để tạo bóng mát nhất định cho vườn tiêu. Bón phân hữu cơ và chế phẩm sinh học hàng năm cho cây hồ tiêu, hạn chế phân hóa học và bón cân đối, trồng cây che phủ, đào mương thoát nước...

Ngoài ra việc áp dụng các biện pháp thâm canh theo hướng bền vững và quản lý cây trồng tổng hợp trên vườn tiêu là điều cần thiết để phát triển sản xuất ngành hồ tiêu bền vững ở Tây Nguyên góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích, giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm