Kinh tế

Trù phú Ia Pia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Pia là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Prông. Toàn xã có 1.123 hộ, với hơn 5.100 nhân khẩu, trong đó có hơn 40% số dân là người dân tộc Jrai. Cách đây chừng 5 năm trở về trước, Ia Pia còn là một xã nghèo. Vậy nhưng đến nay Ia Pia đã bứt phá vươn lên và đã trở thành xã khá giả của huyện, số hộ nghèo còn không nhiều trong khi đó hộ giàu đang dần tăng lên.

Sự bứt phá về kinh tế ở Ia Pia bắt nguồn từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi đúng hướng, giá trị sản phẩm hàng hóa trên một đơn vị diện tích canh tác tăng nhanh và bền vững. Hồ tiêu được coi là cây chủ lực trong quá trình chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống trước đây như: mì, bắp, lúa rẫy... đã mang lại nguồn thu nhập cực kỳ lớn, đã nâng cao ý thức làm giàu trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quỹ đất bỏ hoang hóa trước đây được bà con tận dụng cải tạo lại đưa vào trồng cây hồ tiêu.
 

Người dân làng Lú chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: V.T
Người dân làng Lú chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: V.T

Cả xã hiện có 1.500 ha cây công nghiệp dài ngày thì trong đó có đến hơn 700 ha cây hồ tiêu, phần lớn diện tích đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay; chỉ có 30 ha trồng mới trong năm 2013. Điều đáng mừng là trong xã có đến hơn 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trồng và phát triển cây hồ tiêu, phổ biến 300-400 trụ/hộ.

Chất đất và khí hậu ở Ia Pia rất phù hợp với cây hồ tiêu, cộng với kinh nghiệm thâm canh tốt nên các vườn tiêu ở đây đều cho năng suất cao và ổn định, bình quân mỗi ha cho thu hoạch 2,5-3 tấn hạt khô. Có những vườn tiêu thu hoạch liên tục trong 8 năm liền, song năng suất vẫn không thấp đi mà có chiều hướng tăng dần qua từng năm. Hàng năm, sản lượng tiêu ở xã Ia Pia đạt vào khoảng 2.000 tấn, với giá tiêu lên cao như hiện nay thì đạt tổng giá trị hàng hóa từ cây tiêu lên tới gần 300 tỷ đồng.

Nhiều hộ người Kinh có mức thu tiền tỷ từ cây tiêu, như gia đình anh Nguyễn Du ở thôn 3 trồng được 5 ha tiêu và thu được bình quân 20 tấn hạt khô mỗi năm (5 ha) và thu trên 2 tỷ đồng. Nhiều hộ người dân tộc thiểu số tuy trồng ít nhưng cũng có mức thu khá cao, không còn phải lo thiếu đói như trước đây, phổ biến mỗi hộ có mức thu 100-300 triệu đồng mỗi năm. Cá biệt có hộ anh Rơ Ma Lá ở làng Lú chỉ trồng được 1.000 trụ (1/2 ha) và cho năng suất đạt rất cao 3,5 tấn, trong 3 năm liền nhà anh có mức thu 400 triệu đồng mỗi năm.

Có tiền, người dân ở xã Ia Pia không chỉ mua sắm tài sản, làm nhà ở kiên cố mà còn có ý thức cùng với Nhà nước tham gia làm những công trình công cộng. Điển hình có thôn Bình Tân, trong những năm qua đã đầu tư làm mới được 9 km đường nhựa với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng và số tiền còn lại do dân tự nguyện đóng góp. Trong năm 2013, làng Lú cũng đã huy động sức dân được 50 triệu đồng để cải tạo lại con đường làng sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Hồng Thủy-Chủ tịch UBND xã Ia Pia khẳng định: Đời sống của người dân sẽ còn tiến xa hơn nữa, bởi thiên nhiên ban tặng cho nơi đây nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, UBND xã vẫn chủ trương không mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu mà vận động bà con chuyển sang trồng một số loại cây kinh tế hàng hóa khác. Một thực tế cho thấy, ngay như ở một số vùng trọng điểm hồ tiêu như Chư Pưh, Chư Sê cũng có những năm người dân vẫn điêu đứng vì tiêu bệnh, tiêu chết và ngay cả giá cả tụt bất lợi.

Trước mắt, xã vận động bà con trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa hết quỹ đất hoang hóa vào canh tác, nhằm đảm bảo nâng cao hệ số sử dụng. Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ cho bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn để mở rộng diện tích trồng các loại cây kinh tế hàng hóa, mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình và xã hội.

Văn Thông

Có thể bạn quan tâm