Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trực tuyến lễ khai mạc Festival VH Cồng chiêng TN tại Gia Lai năm 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 được xem là một sự kiện lớn không chỉ của tỉnh nhà Gia Lai, khu vực Tây Nguyên mà còn của cả nước.

Sân khấu ngập tràn sắc màu vàng, đỏ của hoa Dã quỳ và Pơ lang. Ảnh: Hồng Thi

21 giờ 30 phút: Chương trình kết thúc với màn pháo hoa rực rỡ.

Tạm biệt Đôi mắt Pleiku-Biển Hồ thơ mộng, các đại biểu và khán giả đang có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết lại cùng hòa nhịp với liên khúc hát-múa “Chào Festival cồng chiêng”, một nhạc phẩm của Đức Hà, lời thơ Kpa Ylang do tốp ca nam nữ Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San thể hiện. Trong trang phục các dân tộc Việt Nam, các diễn viên tay trong tay nối nhịp vòng xoang trên sân khấu bên ngọn lửa bập bùng cháy. Lồng vào đó là giai điệu cồng chiêng âm vang. Một cảnh kết ngập tràn màu sắc…

Thiếu nữ Tây Nguyên. Ảnh: Trần Dung

Để làm nên chương trình nghệ thuật đặc sắc, đậm đà âm hưởng Tây Nguyên có sự góp công không nhỏ của hơn 1.500 nghệ sĩ, nghệ nhân cùng các học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh.

.
Ảnh: P.Linh

21 giờ 24 phút: Những câu hát cất lên bay bổng và dần chuyển sang bốc lửa trong bài hát “Đôi mắt Pleiku” đang vang lên trên sân khấu. Những đàn chim Chrao bay liệng, Biển Hồ và rừng thông xanh cùng xuất hiện bởi sự đặc tả minh họa của 300 diễn viên. Một Pleiku-Gia Lai hiện lên đầy thu hút, ấn tượng.

Ca sĩ Minh Chuyên với ca khúc “Đôi mắt Pleiku”. Ảnh. P.Linh
Ảnh: Đức Thụy
Khán giả chăm chú dõi theo từng tiết mục. Ảnh Hồng Thi
Các tiết mục sôi động đang khiến trên sân khấu nóng dần lên. Ảnh:Trần Dung

21 giờ 17 phút: Chương trình nghệ thuật chuyển sang chủ đề “Cồng chiêng Tây Nguyên nhịp nối những trái tim” giới thiệu về sự đổi mới, hội nhập và phát triển của vùng đất Tây Nguyên thông qua việc giao lưu, hợp tác văn hóa cồng chiêng. Sự góp mặt của các đoàn cồng chiêng tỉnh bạn trong Festival đã khẳng định và tôn vinh giá trị của cồng chiêng nói chung và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng. Trên sân khấu chính lúc này là những hình ảnh gần gũi, bình dị trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên, như: diễn tấu cồng chiêng, dệt vải, lấy nước, uống rượu cần, trẻ con nô đùa… Tại các sân khấu đại cảnh, các đội cồng chiêng dân tộc Thái, Co, Chăm Hroi, Hrê, Raglay, Ktu, Khmer…đang tấu lên giai điệu cồng chiêng đặc trưng của dân tộc mình. Tất cả quyện vào nhau tạo nên một bài hòa tấu cồng chiêng có một không hai trong đêm khai mạc Festival hôm nay. Và trong không gian trầm hùng ấy, ca khúc Tản mạn cao nguyên được cất lên bởi giọng da diết mà cao vút của ca sĩ Plong Thiết càng trào dâng thêm xúc cảm trong lòng người thưởng thức.

“Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một buổi lễ khai mạc cồng chiêng hoành tráng như thế này. Qua đây, tôi đã hiểu thêm về bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó tôi thấy thích nhất điệu múa xoang của dân tộc Jrai”-bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (trú tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) hào hứng bày tỏ.

 

Cồng chiêng Tây Nguyên nối nhịp từ trái tim. Ảnh. N.Tú
 Bài hát "Tìm về đêm hội làng". Ảnh: Chí Hào

21 giờ 12 phút: Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc được tiếp nối bởi những vũ điệu uyển chuyển, mềm mại đậm chất Jrai, Bahnar hay rạo rực bốc lửa chất Ê đê đã tạo thành bản hòa tấu của đại ngàn, diễn tả tình đoàn kết của các dân tộc như ngọn lửa được thắp lên, cháy đỏ trong tình cảm thiêng liêng đối với quê hương đất nước. Hình ảnh đẹp về 5 tỉnh Tây Nguyên như nhà rông, nhà dài, đàn voi, con nước, bờ suối, rừng cao su, cà phê... gắn liền với đời sống, thể hiện sự ấm no của đồng bào Tây Nguyên đang được các diễn viên thể hiện trên sân khấu để minh họa cho ca khúc “Ngọn lửa cao nguyên”.


 

"Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên". Ảnh: P.Linh

Chương trình nghệ thuật có nhiều tiết mục thể hiện các ca khúc do nhạc sĩ trong tỉnh Gia Lai sáng tác như Ngọc Tường, Khắc Phú với sự tham gia biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Gia Lai

Hoạt cảnh về sự kiên cường bất khuất trong đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên được tái hiện trên sân khấu. Ảnh Trần Dung
Ảnh. N.Tú
Múa vũ điệu lửa. Ảnh: Chí Hào

21 giờ 07 phút: Những vòng xoang đã bắt đầu nối dài, nghệ nhân khiêng trống và đánh trống của các đội cồng chiêng cũng dần vòng quanh cây nêu. Bài hát “Tìm về đêm hội làng” vang lên với tiết tấu nhanh, khí thế dồn dập, hừng hực. Các lễ hội như: mừng chiến thắng, đua voi, mừng lúa mới… được tái hiện trên sân khấu. Âm thanh cồng chiêng rộn rã, tươi vui như mời gọi du khách hãy một lần đến với Tây Nguyên, đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa của cư dân bản địa.

Bạn Rơ Châm Punh (xã Ia Kênh, Pleiku) hào hứng nói: “Mình thấy những hình ảnh trên sân khấu rất gần gũi vì đó là những việc bà con làng mình hay làm hàng ngày. Mình rất vui vì cồng chiêng của dân tộc được vinh danh và tạo nên một lễ hội hoành tráng như thế này”.

Ca khúc "Tìm về đêm hội làng"-sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Tường. Ảnh. P.Linh
Khán giả chăm chú theo dõi các tiết mục trên sân khấu. Ảnh: Trần Dung
Trình diễn cồng chiêng
Ảnh: Ngọc Thu
Các nghệ nhân đang hòa tấu cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Thu
Ảnh: P.Linh

21 giờ: Tiết mục trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai tiếp nối phần hội. Trên sân khấu chính bây giờ là hoạt cảnh già làng bước ra từ nhà rông, thổi tù và báo hiệu bắt đầu một ngày hội săn bắn của làng. Sau 3 hồi chiêng tiếp theo của già làng, các đội cồng chiêng bắt đầu biểu diễn quanh cây nêu, trên vai vác rượu cần, thực hiện nghi thức trao vòng kỷ niệm, mừng sức khỏe và hội mừng lúa mới. Nhịp chiêng lúc rộn rã, thúc giục, khi lại da diết, tươi vui. Nhịp xoang cũng theo đó mà khi nhanh khi chậm, lúc uyển chuyển, lúc trông lại vô cùng mạnh mẽ và dứt khoác. Tất cả các đoàn nghệ nhân cùng phối hợp, khoe tài, tạo nên một tiết mục hòa tấu cồng chiêng đặc sắc.
 

 


Ông Y Duên-nghệ nhân tỉnh Đak Lak-chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia trình diễn tại lễ hội cồng chiêng, 2 lần trước đều diễn ra trong tỉnh Đak Lak. Tôi nghĩ, sự kiện này là hoạt động thiết thực để kết nối văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên lại với nhau”.

 

20 giờ 55 phút: “Những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên. Những năm dài thương nhớ, những giờ phút vinh quang. Yêu em, anh đã từng xông pha trong lửa đạn. Yêu anh, miền đất đỏ cao nguyên che chở anh...”. Đó là những ca từ trong bài hát “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân, được thể hiện qua tiếng hát của 2 ca sĩ Xuân Hảo, Huyền Trang và tốp nữ Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Trên sân khấu lúc này, 500 diễn viên với những chùm hoa Pơlang và dải lụa đỏ tạo hình nên một cao nguyên trùng điệp, những thác nước hùng vĩ, hoang sơ. Mặt trời bừng sức sống mới, dệt nên những bản tình ca tuyệt đẹp trên mảnh đất Tây Nguyên kiên hùng.

Ảnh: P.Linh



Đang chuẩn bị cho màn hòa tấu cồng chiêng tiếp theo, em Đinh Huy (10 tuổi, đội cồng chiêng nhí đoàn nghệ nhân huyện Kbang, Gia Lai) thích thú nói: “Em và các bạn đã tập luyện 3 tuần nay và em có thể đánh được 3 bài chiêng tại lễ hội này. Lần đầu lên phố, em thấy khác xa với buôn làng của em, ở đâu cũng đông vui, náo nhiệt”.

 

.
Tiếc mục "Tháng ba Tây Nguyên". Ảnh: P.Linh

20 giờ 52 phút: Sân khấu ngập tràn những sắc màu rực rỡ của hoa dã quỳ, hoa Pơlang; của bướm, ong vờn quanh trong làn khói tỏa bên nếp nhà sàn. Giai điệu của ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” vang lên đầy vui tươi, trong trẻo qua giọng hát của ca sĩ Huyền Trang, cho chúng ta hình dung về một mảnh đất cao nguyên đầy nên thơ: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước… Tháng ba mùa hoa vông đang nảy nở, cho con công múa, cho con cá bơi. Bông không rụng xuống lòng suối nhỏ, tung lên trời vạn cánh sao rơi. Bông lách bay để lại nụ cười…”.

20 giờ 50 phút: 200 diễn viên trong trang phục màu đỏ, tượng trưng cho những ngọn lửa cao nguyên rực cháy tiến ra sân khấu để bắt đầu cho màn múa “Vũ điệu lửa”. Bài múa không chỉ sử dụng chất liệu múa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên mà còn kết hợp với điệu múa ba lê đương đại để khắc họa hình tượng và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên qua các cuộc biến thiên, quyết liệt chống chọi với thiên nhiên để tồn tại. Và từ trong ngọn lửa thiêng đó, cùng với con người, cồng chiêng xuất hiện một cách đầy mạnh mẽ, âm vang trên nền tiết tấu âm nhạc trầm hùng: “Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên, còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên”.

Bên dưới sân khấu, khán giả chăm chú dõi theo từng động tác của diễn viên và không quên những tràng vỗ tay tán thưởng cho những cảnh diễn hấp dẫn. “Mấy hôm trước nghe thông tin nay có Festival cồng chiêng nên chúng tôi rủ nhau góp tiền thuê xe ô tô xuống để xem. Đây đúng là dịp để cho con cái đi chơi để biết thêm những nét độc đáo của người dân tộc bản địa các tỉnh Tây Nguyên. Nãy giờ dõi theo các tiết mục ca múa hát, các cháu thích lắm, hò reo mãi”-anh Nguyễn Quốc Trung (xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) tâm sự.

 
 

20 giờ 48 phút: Bài hát về Anh húng Núp đang vang lên.

 



20 giờ 45 phút: Ca sĩ Ploong Thiết-nhóm Bazan bắt đầu ca khúc “Hát mừng Anh hùng Núp” đã đưa khán giả trở về miền quê huyền thoại Gia Lai, nơi cộng đồng các dân tộc Gia Lai đã anh dũng trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, chống lại giặc ngoại xâm. Dưới sự dẫn dắt của Box Núp, cộng đồng Bahnar Gia Lai đã đứng lên đánh đuổi kẻ xâm lăng bằng những vũ khí chân chất của dân tộc như: nỏ, khiên, tên, giáo... Kết thúc bài hát là hoạt cảnh hân hoan mừng chiến thắng. Các diễn viên nam, nữ trong trang phục của người Jrai, Bahnar với những chiếc gùi xinh xắn múa các động tác tra lúa, trỉa bắp. Các diễn viên nam thể hiện rừng cây bằng phục trang và đạo cụ, cây lúa... Trên màn hình led là bức chân dung vợ chồng Bok Núp với nụ cười hiền hậu đầy trìu mến.

20 giờ 40 phút: Phần nghi lễ khép lại, tiếp nối là chương trình nghệ thuật cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên. Sức nóng từ sân khấu lan tỏa cả không gian Quảng trường Đại Đoàn Kết và dường như xoa dịu cả tiết trời se lạnh của Phố núi đêm giữa đông.

Đưa vợ và 2 con trai lên TP. Pleiku chơi nhân dịp Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018, ông Thái Thượng Tín (thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) vui vẻ cho hay: “Festival cồng chiêng năm 2009 ở Gia Lai, gia đình tôi cũng đã lên xem và thấy rất thích thú vì những văn hoá đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên. Dịp này, để tham quan lễ hội, gia đình đã đặt phòng khách sạn trước 10 ngày. Tôi thấy sau 9 năm, TP. Pleiku có rất nhiều thay đổi, đẹp hơn và hiện đại hơn”.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Huyền thoại đất và người Gia Lai, Cồng chiêng và Lễ hội dân gian Tây Nguyên, Cồng chiêng Tây Nguyên nhịp nối những trái tim với 11 cảnh diễn sẽ tiếp nối nhau từ bây giờ cho đến 21 giờ 30 phút. 1.200 người (gồm: 200 diễn viên chuyên nghiệp; 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng) thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên cùng các sở, ban, ngành, đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) sẽ tham gia biểu diễn trong phần hội này.

Đang chỉnh sửa lại phục trang và chờ đợi đến lượt biểu diễn, em Rơ Châm Quin (Lớp 10B, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) hào hứng nói: “Trường em có 360 bạn tham gia biểu diễn minh họa trong đêm khai mạc này với 4 tiết mục. Trong đó, em thích nhất bài múa “Đến với cao nguyên” vì âm điệu của bài hát rất mạnh mẽ. Em và các bạn được cầm khăn thổ cẩm tượng trưng cho những dòng thác hùng vĩ-niềm tự hào của quê hương mình”.

 

20 giờ 33 phút: Mở đầu chương 1 là cảnh diễn ca ngợi thiên nhiên, danh thắng và con người của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ với những con thác hùng vĩ, hồ trong vắt, rừng cây xanh ngát và rực rỡ sắc màu của hoa Dã quỳ, Pơ Lang. Con người Tây Nguyên cũng rất thân tình, hào sảng... Tất cả đều được tái hiện trong ca khúc “Đến với cao nguyên”, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường, qua giọng hát của ca sĩ Ygaria hòa cùng điệu múa uyển chuyển của Vũ đoàn Hoa Pơlang, các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai trong trang phục của các dân tộc Ê đê, Cơ ho, Churu. Trên màn hình led hai bên sân khấu là những hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày của đồng bào trên vùng đất cao nguyên nắng gió gắn liền với những chú voi, với hoa lá, cỏ cây, thác nước…

Anh Nguyễn Minh Hoàng-Phóng viên báo Zing-cho biết: “Đến với Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, tôi thấy quy mô, hoành tráng hơn những nơi tôi đã đi qua. Cảnh sắc đẹp, không khí ấm áp, người dân hiền hòa, mến khách. Tôi rất ấn tượng với mảnh đất bazan này”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đ.T

20 giờ 26 phút: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi có mặt tại đây, gửi đến cộng đồng dân tộc các Tây Nguyên lời chúc tốt đẹp. Thủ tướng điểm lại một số tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng. Qua đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh cùng chung tay giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, ngân xa. Đồng thời, xây dựng tỉnh Gia Lai có kết cấu hạ tầng phát triển, nâng cấp công nghệ, hệ sinh thái, du lịch.... Xây dựng Gia lai là điểm đến các tỉnh gần xa. Tạo dựng cuộc sống tốt đep, giàu có cho các dân tộc Gia Lai.

 

20 giờ 20 phút: Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đang có mặt trên sân khấu và bắt đầu đọc diễn văn khai mạc. Trong bài phát biểu, đồng chí một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018. Đồng chí kỳ vọng trong dịp liên hoan này thông qua các hoạt động lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, trình diễn nghệ thuật dân gian và hội thảo khoa học, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức, cùng nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu. Ảnh: Đ.T



Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai vui mừng được đón quý vị về đây trong những ngày cuối năm với thời tiết đẹp; đồng thời, tin rằng Gia Lai đã và sẽ luôn mang đến cho bạn bè gần xa những tình cảm chân thành, gần gũi mới lạ và mong muốn những hình ảnh đẹp của Gia Lai sẽ luôn được mọi ngưới lưu giữ, lan truyền.

 

Chương trình ca nhạc.  Ảnh: N.T

20 giờ 18 phút: Dự lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông-vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng; đại diện Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Nga tại Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp ở Trung ương… cũng về tham dự lễ.

Về phía tỉnh Gia Lai, có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các cán bộ lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh; các đơn vị công an, quân đội đứng chân trên địa bàn.

.



Các đoàn cồng chiêng, nghệ nhân, diễn viên của 4 tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng; 19 đoàn cồng chiêng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai; cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh Gia Lai cũng đang tề tựu tại Quảng trường Đại Đoàn Kết để hòa chung không khí khai mạc đêm nay.

.
Ảnh: NT
Hòa tấu cồng chiêng Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thi

20 giờ 12 phút: Hai MC tiến ra sân khấu cảm ơn các nghệ sĩ và tuyên bố lý do. Theo đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-một loại hình văn hóa độc đáo của Việt Nam được Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại vào ngày 25-11-2005. Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra lần này là một sự kiện mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Qua đây, nhằm quảng bá hình ảnh, vị thế nổi bật và nét đặc sắc của địa phương đến với bạn bè trong nước cùng quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ bắt tay các đại biểu. Ảnh: Đ.T
Các đại biểu Trung ương. Ảnh: Hồng Thi
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại lễ khai mạc. Ảnh: Đ.T

20 giờ: Chương trình khai mạc Festival bắt đầu với phần nghi lễ. Mở màn là đại cảnh múa hát dàn dựng theo lối sử thi với phần hòa tấu cồng chiêng và ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, một sáng tác của nhạc sĩ Lê Lôi. Trong không gian mô phỏng đầy hào hùng của đại ngàn, giọng hát trong trẻo, cao vút của cặp song ca Xuân Hảo-Huyền Trang và dàn hợp xướng đã tạo nên một bản hùng ca về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm của đồng bào Tây Nguyên quyết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Các nghệ sĩ kết hợp với các em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường THPT chuyên Hùng Vương cùng đoàn nghệ nhân cồng chiêng Gia Lai trong trang phục dân tộc và rực rỡ sắc hoa, tạo thành một vòng tròn lớn ôm trùm không gian sân khấu.


 

Lãnh đạo tỉnh đón tiếp các khách mời. Ảnh: Đ.T

19h 57phút: 1.200 diễn viên, nghệ sĩ cũng đã sẵn sàng cho các màn biểu diễn trong đêm khai mạc hoành tráng, đậm sắc màu bản địa của người Tây Nguyên.

19h50 phút: 10 phút nữa, chương trình khai mạc sẽ bắt đầu, dòng người đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết ngày một đông.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Long (trú phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cùng nhóm bạn đã lên TP. Pleiku từ ngày 28-11. “Chúng tôi đã đi tham quan một số thắng cảnh khá đẹp của Gia Lai như núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ nước, Biển Hồ chè… Tối qua, trong buổi tổng duyệt trước lễ khai mạc, chúng tôi cũng đã xem một số tiết mục và thấy rất hay nên nay ra xem tiếp”-anh Long phấn khởi nói.

Một số người dân và du khách có mặt từ sớm để chọn cho mình vị trí tốt nhất để xem. Ảnh: Ngọc Sang

Nhiều người dân đã có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết từ khá sớm nhằm chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất, háo hức đón chờ lễ khai mạc. Anh Nguyễn Khắc Bình (phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Gần 1 tháng nay, tỉnh ta đã chỉnh trang lại đô thị, lát vỉa hè một số con đường và treo đèn trang rất đẹp, gia đình chúng tôi rất háo hức chờ đợi đêm khai mạc Festival. Chúng tôi đã đến đây từ 6 giờ 30 phút để cảm nhận không khí và cũng để có vị trí tốt nhất xem các đoàn nghệ nhân biểu diễn”.

Đội cồng chiêng thị xã An Khê trước giờ khai mạc. Ảnh: Ngọc Minh



Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Công-Chánh Văn Phòng Sở Y tế tỉnh Gia Lai-cho biết: Sở đã phân công 4 Tổ cấp cứu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu xảy ra sự cố trong đêm khai mạc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Mỗi tổ có 4 người, gồm: điều dưỡng, y sĩ, bác sĩ, 1 lái xe và 1 xe cứu thương; sẽ túc trực tại 4 khu vực quanh Quảng trường Đại đoàn kết từ 19 giờ đến 23 giờ hôm nay (30-11). Nhân lực cho Tổ cấp cứu được điều động từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, Bệnh viện 331 và Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng.

19 giờ 42 phút: Khắp các ngã đường chính dẫn về khu vực này đều đông nghẹt xe cộ qua lại. Hiện tại, các lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, y tế, công nhân đô thị… đang làm việc tích cực để đảm bảo an ninh trật tự, giao thông được thông suốt, môi trường sạch đẹp trước giờ khai mạc.
 

Đội thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng phục vụ đêm khai mạc. Ảnh: Ngọc Thu
Phóng viên Báo Gia Lai tác nghiệp trước giờ khai mạc. Ảnh: Ngọc Minh

Chỉ khoảng 30 phút nữa, Lễ khai mạc sẽ chính thức diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thỏa lòng mong mỏi, trông đợi bao lâu nay của người dân các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Phố núi Pleiku nói riêng. Gia Lai Online tường thuật trực tuyến xuyên suốt lễ khai mạc với những hình ảnh chân thực, sinh động nhất để những độc giả ở xa quan tâm có thể cập nhật thông tin về sự kiện này.

Không khí rộn ràng, phấn khởi của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đã khiến hàng ngàn người dân khắp các tỉnh, thành đến với Gia Lai đổ dồn về Quảng trường Đại Đoàn Kết-nơi sắp diễn ra lễ khai mạc.

Người dân háo hức chờ đón lễ khai mạc. Ảnh: Hồng Thi
Diễn viên hào hứng trước giờ khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: Ngọc Thu


Một số hình ảnh đầu tiên của buổi lễ:

Các diễn viên, nghệ nhân chuẩn bị những khâu cuối cùng trước lễ khai mạc. Ảnh: Chí Hào
Người dân ùn ùn đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Nguyễn Tú
Người dân và du khách làm thủ tục để vào khu vực khán đài. Ảnh: Ngọc Sang
Các đoàn chuẩn bị trước khi trình diễn. Ảnh: Ngọc Sang

 Nhóm PV GLO

Có thể bạn quan tâm