Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trung Quốc bất chấp pháp luật và đạo lý!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hành động đưa giàn khoan tới cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982.

Giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ: phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý. Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý. Do vậy, xét trên góc độ pháp lý quốc tế hay góc độ chính trị thì việc tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam, tấn công các tàu Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng các điều ước đã ký kết.

Về đạo lý, Trung Quốc đã đi ngược lại những gì họ đã cam kết: Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử biển Đông (gọi tắt là DOC). Trong nhiều tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nhưng Trung Quốc đã bất chấp đạo lý… Họ còn dùng cả tàu hải giám để đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam. Những hành động bạo lực như thế trong thế giới hiện đại là không thể chấp nhận được. Đấy là xuất phát từ một động cơ, từ một quan điểm của một nước lớn mà coi thường luật pháp quốc tế.

Vì sao Bắc Kinh lại trắng trợn như vậy? Tổng hợp một loạt sự kiện gần đây cho thấy hành động ngang ngược này của Trung Quốc nằm trong cái gọi là chiến lược chung bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm biển Đông.

Từ sau vụ va chạm với tàu khảo sát Impeccable của Mỹ ngày 8-3-2009 và gửi Công hàm đến Liên hợp quốc ngày 7-5-2009 lần đầu tiên lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích biển Đông, Bắc Kinh ngày càng trắng trợn trong việc thực hiện ý đồ ngang ngược này, phản đối mọi sự hiện diện của nước ngoài cũng như những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong biển Đông.

 

Tàu kiểm ngư của Việt Nam hư hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm.

Xâu chuỗi các sự kiện Trung Quốc quấy nhiễu tàu và máy bay của Philippine tại bãi Cỏ Rong trong ngày 3-5-2011, cản trở tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngày 26-5 và việc Trung Quốc đang đàm phán với Indonesia để phối hợp tuần tra chung ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km, thật dễ thấy các hoạt động này đều nằm trong âm mưu tranh chấp tài nguyên ở biển Đông, theo phương châm “khai thác biển xa trước, biển gần sau”.

Biển Đông chưa bao giờ và không khi nào nằm ngoài tính toán chiến lược của Bắc Kinh. Mục tiêu tổng thể của Bắc Kinh là hợp thức hóa đường chín đoạn nhằm vạch ra những không gian biển mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Vụ việc hiện nay là một bước nối tiếp hàng loạt hành động trước đó, trong đó có việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thực hiện hồi tháng 6-2012 là mời các công ty nước ngoài làm việc với tập đoàn này trên 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Thông thường, các nước có nhiều phương pháp giải quyết các vi phạm về lãnh thổ. Thứ nhất là trao đổi song phương, đàm phán và trao đổi với nhau dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nếu thương lượng song phương không thành công thì các nước có thể dùng bên thứ 3 làm trung gian hòa giải. Phương thức dùng đến các tổ chức trọng tài quốc tế và cuối cùng, nếu không giải quyết được thì dùng đến biện pháp quân sự.

Tôi tin rằng người Việt Nam, dù đang sống ở đâu, đều luôn luôn hướng về đất nước và sẵn sàng đóng góp tinh thần lẫn vật chất để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc. Chúng ta phải tìm mọi cách giữ gìn và phát huy được sức mạnh vô song này. Chúng ta phải triển khai mạnh mẽ và kịp thời cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam bằng sự phối hợp một cách chủ động, chặt chẽ, liên tục trên các mặt quân sự, ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền... Đặc biệt, cần tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, dù đó là cá nhân hay tổ chức, của các quốc gia, dù là nhỏ hay lớn...

Luật sư Nguyễn Duy Ngọc
(Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai)

Có thể bạn quan tâm