Kinh tế

Giá cả thị trường

Trung Quốc đứng số 1 đầu tư vào Việt Nam: Thận trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phủ nhận những tác động tích cực từ nguồn vốn FDI, song những hệ lụy và tác động tiêu cực tới nay vẫn chưa thể giải quyết.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo chi tiết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, tính đến 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết, Trung Quốc giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD, 187 dự án mới.
Những lĩnh vực đầu tư được ưu tiên gồm 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào công nghệ chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ.
 
Cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm. Ảnh: REUTERS
GS.TS Phạm Phố nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nhận định, xu hướng đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là nguồn vốn Trung Quốc.
Theo vị GS, nguồn vốn Trung Quốc cũng đã tìm đến thị trường Việt Nam từ rất sớm và ngày càng tăng, ví dụ, năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt mức 1,26 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Những năm trước, dòng vốn FDI của Trung Quốc thường tập trung vào hai nhóm chính là xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất các nguyên liệu đầu vào.
Những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, xây dựng, nhiệt điện và khai khoáng vì đó đều là các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và có khả năng lợi dụng thị trường Việt Nam để xuất khẩu đi các nước.
Đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nguồn vốn Trung Quốc đã thực hiện nhiều dự án lớn như: Gang thép Thái Nguyên, Boxit Tây Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông...
"Chúng ta không phủ nhận những tác động tích cực từ nguồn vốn FDI, song những hệ lụy và tác động tiêu cực tới nay vẫn chưa thể giải quyết.
Ví dụ như tình trạng thua lỗ, không thể vận hành của nhà máy Gang thép Thái Nguyên, công nghệ lạc hậu, không hiệu quả của Boxit Tây Nguyên, đội vốn, chậm tiến độ, nhiều vấn đề an toàn lao động ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Có thể thấy, hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của nguồn vốn đầu tư Trung Quốc rất kém, chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ rất thấp, kéo theo đó là những mối lo về nợ công, vốn vay... Các dự án chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển chiến lược "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, đầu tư để xuất khẩu lao động, xuất khẩu vốn, xuất khẩu công nghệ lạc hậu sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng, ở rộng đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản, thị trường tiêu dùng, bán lẻ.
GS Phạm Phố cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn Trung Quốc đổ vào chưa nhiều nhưng chủ yếu là những dự án được đầu tư 100% vốn nước ngoài, ở những vị trí chiến lược.
"Thời gian qua, dư luận bức xúc rất nhiều trước hiện tượng nhiều vị trí trọng điểm, nhiều khu vực ven biển đã bị rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Cụ thể như Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hải Phòng...
Hiện tượng trên phải được cảnh báo, nhất là những nguy cơ liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng", vị GS lưu ý.
Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang cho thấy tư duy ăn xổi, ở thì, thấy lợi là làm.
Tuy nhiên, theo GS Phạm Phố, hiện đang có nhiều phân tích lo ngại, việc gia tăng sự hiện diện nguồn vốn của nước này vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng có thể gây nguy cơ làm lũng đoạn thị trường bán lẻ trong nước, đặc biệt trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng từ nước này đang tràn vào mà chưa có được biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất.
Tình hình trên có thể sẽ đe dọa tới nền sản xuất chung, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
"Cần lưu ý rằng, rất nhiều nước trên thế giới đã phải từ chối nguồn đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại những hệ lụy kéo dài.
Một số nước ở khu vực Châu Phi do không kịp phản ứng tới nay đang bị vướng vào bẫy nợ của nước này và Chính phủ phải gánh.
Còn với trường hợp của Sri Lanka cũng đã phải bán lại cảng cho Trung Quốc khai thác do không đủ nguồn vốn trả nợ.
Tất cả những việc xảy ra đều là bài học Việt Nam cần lưu ý, thận trọng", vị GS cảnh báo.
Lam Nguyễn (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm