Dù biện minh dưới nhiều hình thức, nhưng với những gì đang xảy ra thì Bắc Kinh bộc lộ rõ dã tâm lợi dụng tình hình các nước đang ứng phó dịch bệnh để gây căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa láng giềng.
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống trong một lần hoạt động trên biển. Ảnh: SCMP
Đến hôm qua, giới nghiên cứu cũng như truyền thông quốc tế đang theo sát các diễn biến trên Biển Đông khi Trung Quốc chính thức công bố việc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển từ khu vực biển Hoa Đông, rồi tiến về Biển Đông tập trận.
Ngụy biện thô thiển
Liên quan cuộc tập trận, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời của phát ngôn viên hải quân Trung Quốc cho rằng đây là một hoạt động thường niên. Nội dung thông báo là cách ngụy biện mà Trung Quốc muốn dùng để né tránh các chỉ trích cho rằng nước này lợi dụng tình hình bệnh dịch Covid-19 để gây rối trên Biển Đông.
Thông tin nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam Ngày 14.4, trả lời câu hỏi phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông. Trước đó, Thanh Niên đã gửi câu hỏi đến Bộ Ngoại giao về thông tin tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 cùng một số tàu hải cảnh đi vào vùng biển Việt Nam. Năm 2019, Hải Dương Địa chất 08 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam. Vũ Hân |
Sự ngụy biện của Bắc Kinh không thể thuyết phục được dư luận thế giới. Trả lời Thanh Niên ngày 14.4, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) khẳng định: “Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm lợi dụng tình hình nhiều nước đang tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19”.
Trong đó, theo PGS Nagy: “Đây còn là cách mà Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận trong nước về những gì đã diễn ra trong đợt dịch bệnh vừa qua, đặc biệt là về hậu quả kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng”.
Ông cũng cho rằng: “Động thái điều động tàu sân bay tập trận ở Biển Đông còn là một thông điệp đe dọa của Bắc Kinh gửi đến các bên trong khu vực với hàm ý rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để đảm bảo cái mà nước này gọi là “lợi ích cốt lõi”.
Tương tự, trả lời Thanh Niên, GS James Kraska (chuyên ngành luật - Đại học Hải chiến Mỹ) cũng cho rằng ông không thể tin Trung Quốc không lợi dụng tình hình bệnh dịch khi điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh (với 5 tàu chiến hộ tống kèm theo) tổ chức tập trận trên Biển Đông.
Máy bay trinh sát Mỹ hoạt động trên Biển Đông ? Hôm qua, thông qua tài khoản trên mạng xã hội Twitter, chuyên trang theo dõi hàng không Aircraft Spots đưa tin máy bay trinh sát của hải quân Mỹ P-3C, thuộc dòng máy bay P-3 Orion, vừa có hoạt động trên Biển Đông. Đây là dòng máy bay trinh sát, săn tàu ngầm khá nổi tiếng và được trang bị nhiều công nghệ tối tân để phục vụ việc do thám, săn tàu ngầm. Ưu điểm của loại máy bay này không chỉ dễ dàng theo dõi các hoạt động của tàu chiến nổi, mà còn có thể phát hiện những loại tàu ngầm có độ ồn thấp ở cả các vùng nước phức tạp mà tàu ngầm thường tìm cách lẩn trốn. Thời gian qua, cùng với dòng P-8 Posseidon, P-3 Orion cũng là loại máy bay trinh sát được Mỹ triển khai hoạt đông khá nhiều ở các vùng biển tại khu vực tây Thái Bình Dương. |
Thực tế, đây cũng không phải là hành vi sai trái đầu tiên của Trung Quốc gần đây - giữa mùa bệnh dịch. Đầu tháng này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã tông chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng bị lên án mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích hành vi của Trung Quốc, và phê phán thẳng thắn rằng đó là chiêu trò lợi dụng bệnh dịch để “thừa nước đục thả câu”, gây rối trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã lên án quan ngại vụ việc và cho rằng không nên có những hành động gây căng thẳng trong bối cảnh bệnh dịch đang lan rộng.
Dùng truyền thông đổ lỗi
Nếu quan sát kỹ hơn, như Thanh Niên ngày 1.4 có bài phân tích Trung Quốc với chiêu trò “chạy tội” tạo cớ gây căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh đã có những hành động đổ lỗi rồi gây căng thẳng.
Đe dọa Có hai động cơ chính trong các hoạt động quân sự hiện nay của Trung Quốc. Thứ nhất, Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp mang tính đe dọa đến các bên, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam, rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ những gì mà nước này xem là lợi ích. Ngoài Biển Đông thì thông điệp còn hàm chứa vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Nhìn hải trình của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trước khi đến Biển Đông thì đã đi qua vùng biển Hoa Đông, vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Đây là cách Bắc Kinh đe dọa Đài Loan, vốn đang được lãnh đạo bởi bà Thái Anh Văn có xu hướng cứng rắn trong quan hệ với đại lục. Thêm vào đó, thực tế là Đài Loan đã khá thành công trong việc kiểm soát bệnh dịch Covid-19, trong khi Trung Quốc đại lục bị cho đã phản ứng kém hiệu quả. Điều đó càng khiến cho Bắc Kinh muốn dập tắt những gì có thể xem là “thành tựu” của Đài Bắc - vốn có thể tạo thành động lực lớn hơn trong việc đòi hỏi phân tách khỏi đại lục. Thứ hai, trong suốt nhiều năm, định hướng phát triển quân sự của Trung Quốc có phần lớn nội dung tập trung vào việc tấn công để thống nhất Đài Loan. Định hướng đó lại chủ yếu liên quan đến phần tác chiến của lục quân. Từ cuộc chiến tranh xâm chiếm phía bắc Việt Nam vào năm 1979 đến nay, Trung Quốc chưa hề tham gia một cuộc chiến tranh tổng lực nào. Và cuộc chiến này phần lớn chỉ gồm lực lượng bộ binh. Vì thế, Bắc Kinh đang muốn thực hiện nhiều cuộc tập trận trên biển lẫn trên không, với cường độ lớn để nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc. Điều này cũng hỗ trợ cho những thông điệp răn đe mà Bắc Kinh đã truyền đi là sẵn sàng sử dụng quân sự trên biển. Nhà phân tích Derek Grossman (Tổ chức Nghiên cứu Rand, Mỹ) |
Ngày 13.4, tờ South China Morning Post, thuộc Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, đăng bài xã luận This is not the time to add to tensions in South China Sea (tạm dịch: Đây không phải là thời gian gây thêm căng thẳng trên Biển Đông). Tương tự nhiều bài xã luận đã được đăng trên Nhân dân nhật báo, Hoàn Cầu thời báo… gần đây, bài viết trên của South China Morning Post cho rằng phía Mỹ đang cố gây chuyện với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh lại đang nỗ lực xây dựng các cơ chế đảm bảo sự ổn định cho Biển Đông.
Nội dung này làm sao có thể tin được khi “nỗ lực xây dựng” mà Bắc Kinh đang theo đuổi, thực tế là dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, điều động tàu sân bay với lực lượng hộ tống hùng hậu đến Biển Đông tập trận. Ngoài ra, nếu đổ lỗi do Mỹ gây căng thẳng nên Trung Quốc phải phản ứng thì lại càng không thuyết phục bởi những ngày qua, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã neo tại đảo Guam để giải quyết tình hình bệnh Covid-19 lây lan cho thủy thủ trên tàu. Vì thế, việc Trung Quốc tổ chức tập trận trên Biển Đông không thể biện minh là nhằm đáp trả Mỹ.
Xa hơn, nếu nhìn lại các bài viết gần đây của truyền thông Trung Quốc về tình hình Biển Đông thì rõ ràng Bắc Kinh đã thực hiện một chiến lược tuyên truyền cho việc tổ chức tập trận được tính toán mang tính hệ thống. Cụ thể, cuối tháng 3, cũng với cách đổ lỗi, tờ South China Morning Post đăng bài phân tích US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ). Song hành cùng bài báo vừa nêu, báo này còn đăng bài viết Beijing may step up drills in South China Sea amid rising tensions with US military, analysts say (tạm dịch: Chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể tăng cường tập trận ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng gia tăng với quân đội Mỹ). Những nội dung này rõ ràng là hình thức mở đường dư luận để hợp thức hóa các hành động gây rối.
Chính vì thế, ngược lại, chính Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để gây rối.
Ngô Minh Trí (Thanh Niên)