Theo TechRadar, các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố một phát minh mới đầy hứa hẹn với pin hạt nhân siêu nhỏ gọn, sử dụng Americium làm nguồn năng lượng. Loại pin này được cho là có hiệu suất chuyển đổi năng lượng vượt trội, lên đến 8.000 lần so với các mô hình trước đó, mở ra tiềm năng thay thế pin lithium truyền thống trong tương lai.
Điểm đặc biệt của loại pin mới này nằm ở việc sử dụng Americium, một nguyên tố phóng xạ, để tạo ra điện thông qua quá trình phân rã hạt nhân. Nhờ vào thời gian bán hủy dài của Americium, pin hạt nhân có thể hoạt động liên tục trong nhiều thập kỷ mà không cần bảo trì hay thay thế.
Một trong những thách thức lớn đối với pin hạt nhân trước đây là hiệu suất năng lượng thấp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển một kiến trúc mới, kết hợp Americium với một loại polymer đặc biệt. Thiết kế này, cùng với việc sử dụng pin quang điện để chuyển đổi ánh sáng thành điện, đã giúp tăng đáng kể hiệu suất chuyển đổi năng lượng của pin.
Mặc dù công suất đầu ra hiện tại vẫn còn nhỏ, nhưng tiềm năng ứng dụng của pin hạt nhân là rất lớn, đặc biệt là trong các thiết bị nhỏ, hoạt động ở môi trường khắc nghiệt hoặc không gian vũ trụ, nơi việc thay thế pin thường xuyên là không khả thi.
Công nghệ pin hạt nhân siêu nhỏ gọn vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và cần thêm thời gian để hoàn thiện trước khi có thể thương mại hóa rộng rãi. Những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn đã mở ra một hướng đi mới trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững và hiệu quả cho tương lai.
Theo Phong Đỗ (TNO)