Chính trị

Tin tức

Trung thực và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thế nào được gọi là trung thực và trách nhiệm? Khái niệm này rất rộng. Từ điển Tiếng Việt thì trung thực tức là thẳng thắn và thành thực; còn trách nhiệm có nghĩa là sự bắt buộc, về đạo lý hay trí tuệ, phải làm một việc, thực hiện một điều cam kết… (Từ điển Tiếng Việt-NXB Khoa học Xã hội, HN năm 1977). Trung thực, trách nhiệm là một trong các nội dung mà năm nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tổ chức triển khai. Chúng tôi muốn bàn về vấn đề này.

Đã là người sống trong gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xóm, rộng ra là xã hội, thì cái mà người ta để tâm đến trước hết có lẽ là việc người đó có trung thực hay không. Được biết, trong cộng đồng người Bahnar, họ rất ghét sự dối trá, mà nói dân dã là nói láo, làm láo, họ coi đó như là người mắc căn bệnh “nan y”, bị thần linh trừng phạt, thậm chí cần phải cách ly khỏi cộng đồng. Và trách nhiệm, theo định nghĩa vừa nói trên, thì người ta (chúng ta) phải làm một việc, một điều gì đó khi ta đã cam kết với ai đó-tổ chức, cộng đồng… Đó là nói trên bình diện chung của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội. Còn đối với cán bộ, đảng viên, những người “đi trước để làng nước theo sau” thì việc trung thực, trách nhiệm càng là một điều có ý nghĩa rất lớn.

 

Ảnh: B.H
Ảnh: B.H

Theo tài liệu hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 (NXB Giáo dục Việt Nam-1-2015), thì cán bộ, đảng viên “trung thực” trước hết là trung thực với chính mình, với mọi người, với công việc; chuẩn mực về đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động; điều đó giúp con người tin cậy lẫn nhau. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì và sự trung thực làm nên tính tự trọng, thẳng thắn; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể và cả cá nhân từng thành viên trong một tổ chức. Thật đáng trách, hay có thể nói đúng hơn là thực tế cuộc sống ngày nay, ngay cả trong tổ chức Đảng, hiện chúng ta có không ít những thành viên sống không trung thực, giả dối, lừa cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí.

Đối chiếu với khái niệm mà tài liệu vừa nói trên nêu ra, thì trung thực còn là phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, quản lý. Những cán bộ này, nếu không có lòng tự trọng, không trung thực trong các mối quan hệ, ứng xử sẽ rất nguy hiểm cho một tập thể mà người đó đứng đầu, việc ấy sẽ làm cho cấp dưới thiếu sự tin cậy, nghi ngờ, xa lánh… Và như thế, vận vào chuyện “tổng kết” của cha ông ta hẳn không sai, rằng “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Nghiêm trọng hơn, khi mà nhân dân đã không còn tin vào cán bộ, đảng viên, như thế suy rộng ra, liệu nhân dân có còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền? Và nhìn lại, nghiêm túc đánh giá, nhìn thẳng vào sự thật, hiện chúng ta đã bị giảm sút lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng và Nhà nước bởi không ít cán bộ, đảng viên-những “con sâu làm rầu nồi canh”.


Khắc phục điều này, chủ trương việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm nay, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, cần lựa chọn một đội ngũ cán bộ ngoài các tiêu chuẩn bắt buộc theo quy định, thì việc lựa chọn những cán bộ trung thực, trách nhiệm để cơ cấu vào các cấp ủy là tối cần thiết. “Nói đi đôi với làm”, “hứa là làm”, biểu hiện của trung thực, trách nhiệm đó không khó “nhìn thấy” ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, miễn những người “cầm cân nẩy mực” cũng là những người trung thực, trách nhiệm, không vì lợi ích nhóm, không vì cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, bè phái… Ngày còn sống, Bác Hồ đặc biệt quan tâm vấn đề này và yêu cầu cán bộ, đảng viên “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “Tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG-ST, năm 2011, tập 3 và 5).

Bác Hồ còn dạy cán bộ, đảng viên “Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” (SĐD). Rộng ra, Bác bảo “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” (SĐD). Trung thực trong tư tưởng của Bác mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản, và trung thực phải luôn gắn bó với trách nhiệm.

Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình. Tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên phải cao hơn mọi người; thế nhưng trong thực tế, ngày nay không ít cán bộ, đảng viên rất thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác, nhiệm vụ được giao, thậm chí việc gì có lợi cho bản thân thì ra sức làm, tệ hại hơn còn tìm mọi sơ hở của pháp luật để lách sao cho cái lợi về mình nhiều hơn cái lợi của tập thể, của nhân dân. Bác Hồ coi trách nhiệm là việc phải làm, phải nhận lấy về mình, không thể thoái thác. Bác bảo trách nhiệm là bổn phận của mỗi người dù ở cương vị nào. Tóm lại, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm, Bác coi đó là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người.

Triển khai học tập và làm theo về nội dung trung thực trách nhiệm, nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, trung thực trong công việc, trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và điều đó phải theo tinh thần nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai. Làm được như vậy sẽ là tấm gương cho quần chúng noi theo, làm theo, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mọi người cùng ra sức thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm