(GLO)- Cách đây 60 năm, tại xã Đak Gleh (nay thuộc huyện Kbang) Trường Đảng tỉnh Gia Lai (nay là Trường Chính trị tỉnh Gia Lai) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh vững vàng về chính trị, tư tưởng; biết cách tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng.
Thời kỳ mới thành lập, cơ sở vật chất của trường hết sức thiếu thốn; đời sống của cán bộ, giảng viên và học viên rất khó khăn; đội ngũ giảng viên mỏng, giảng dạy không chuyên, tài liệu ít ỏi. Góp phần khắc phục khó khăn phục vụ hoạt động dạy học, lãnh đạo, cán bộ cùng học viên phải tự vào rừng đốn cây, chặt lá về dựng nhà ở, phòng học, làm bàn ghế, cùng lao động sản xuất để tự túc lương thực, thực phẩm; thường xuyên thay đổi chỗ ở, chỗ học để bảo đảm bí mật… Dù vậy, nhà trường vẫn tổ chức mở được hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên phục vụ kháng chiến, góp phần tạo nên thắng lợi, giải phóng tỉnh nhà.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với sự thay đổi và phát triển của tỉnh, Trường Đảng tỉnh Gia Lai có những thay đổi về tên gọi: Trường Đảng tỉnh Gia Lai-Kon Tum (từ tháng 12-1975), đến Trường Đảng tỉnh Gia Lai (từ tháng 9-1991) và nay là Trường Chính trị tỉnh Gia Lai (từ tháng 11-1994). Theo đó, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương. Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức nhà trường đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy và cán bộ, cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý và phục vụ, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.
Ảnh: ĐỨC THỤY |
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh được đầu tư xây dựng thêm khu làm việc của công chức, viên chức; các khu giảng đường cho học viên; khu ký túc xá của học viên; tăng cường trang bị các phương tiện dạy học như: máy projector, micro, loa, ánh sáng…; cải tạo lại sân trường, trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường tương đối khang trang, thu hút ngày càng nhiều học viên tham gia học tập và lưu trú.
Đến nay, nhà trường có 52 công chức, viên chức và người lao động, trong đó, biên chế là 42 đồng chí, lao động hợp đồng có 10 đồng chí. Đội ngũ giảng viên gồm 32 đồng chí, trong đó có 2 tiến sĩ, 10 thạc sĩ. Những năm qua, nhà trường đã quan tâm đến việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên. Trong 5 năm qua, nhà trường đã cử 129 lượt công chức, viên chức, giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cùng với khối lượng kiến thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, nhà trường còn cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở và đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện. Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường đã mở 338 lớp với 24.704 học viên. Hoạt động mở lớp được mở rộng dưới nhiều hình thức (tập trung, tại chức, ngoài giờ hành chính) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn cũng luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp khoa, cấp trường; các đề tài nghiên cứu nghiệm thu đều đạt chất lượng tốt, được ứng dụng kịp thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy và học tập. Từ năm 2014 đến 2018, trường đã thực hiện 2 đề tài khoa học cấp tỉnh; biên soạn và xuất bản 8 tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập cho giảng viên và học viên trong nhà trường; tổ chức 5 hội thảo khoa học cấp tỉnh và cấp trường; các công chức, giảng viên nhà trường tham gia viết hàng chục bài đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho viên chức, giảng viên đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh để nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, văn hóa, phong tục tập quán... từ đó có cơ sở thực tiễn để bổ sung giúp bài giảng thêm phong phú.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình (giữa) trao đổi công việc cùng công chức, viên chức nhà trường.Ảnh: ĐỨC THỤY |
Thực tiễn xây dựng và trưởng thành trong 60 năm qua có được thành quả như vậy là nhờ trường luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ để xác định mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức đào tạo phù hợp; tích cực cải tiến phương pháp theo đúng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của Đảng và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng luôn được coi trọng, góp phần phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất và đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ cao được quan tâm. Mặt khác, cơ sở vật chất, bộ phận cấu thành môi trường dạy-học đã từng bước đi vào hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất lần thứ 2; được cấp trên tặng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen. Đảng bộ, các chi bộ nhiều năm liền được công nhận tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các đoàn thể nhiều năm liền được công nhận vững mạnh toàn diện.
TS. NGUYỄN THÁI BÌNH
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh