Chính trị

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn: Giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống như: giá vật tư nông nghiệp tăng cao; việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn; việc đầu tư hạ tầng giao thông, bảo vệ tài nguyên môi trường; hỗ trợ giống cây trồng cho người dân tộc thiểu số... đã được cử tri các huyện Chư Prông, Kông Chro, Đức Cơ và thị xã An Khê gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và mong muốn được quan tâm giải quyết.

Ngày 26-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) và xã Ia Lang (huyện Đức Cơ).

Cùng ngày, các ông, bà: Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Sró (huyện Kông Chro) và phường An Tân (thị xã An Khê).

Tham gia các buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc cử tri xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Ảnh: Quang Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc cử tri xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Ảnh: Quang Tấn

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề tồn tại, bất cập

Mở đầu các buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo với cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 22-5-2023 và bế mạc ngày 23-6-2023 tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). Kỳ họp sẽ được tiến hành theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6 và đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 23-6).

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật. Kỳ họp cũng xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023; các báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

Tiếp đó, phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, phần lớn cử tri đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn. Bởi lẽ, thời gian qua, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư và dần hoàn thiện, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Cử tri Nguyễn Thị Kiều (thôn Bản Tân, xã Ia Phìn) phản ánh: “Tỉnh lộ 663 thi công từ lâu nhưng đến nay còn một đoạn khoảng 2 km thi công ì ạch, trong khi mùa mưa đang đến gần. Đặc biệt, tuyến đường hiện chưa có mương thoát nước hoặc cống thoát nước nên mỗi khi có mưa lớn thì nước tràn vào nhà dân, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như đầu tư hoàn thiện hệ thống mương thoát nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại”.

Trong khi đó, cử tri Đinh Ngôl (làng Kươk, xã Sró) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư sửa chữa một số tuyến cầu dân sinh và xây dựng tuyến đường giao thông từ huyện Kông Chro qua tỉnh Phú Yên để tạo thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân 2 địa phương.

Cử tri huyện Kông Chro cũng đề nghị Quốc hội có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. “Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giống cây trồng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; điều chỉnh giá phân bón để tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất”-cử tri Đinh Tiơn (làng Sró, xã Sró) nêu ý kiến.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Quang Tấn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Quang Tấn

Liên quan đến vấn đề đất đai, cử tri Nguyễn Hữu Thanh (làng Gào, xã Ia Lang) kiến nghị: “Để có vốn sản xuất, chúng tôi phải đi vay ngân hàng nhưng việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tôi mong chính quyền các cấp cần rà soát các quy trình thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.

Vấn đề ô nhiễm môi trường được cử tri thị xã An Khê đặc biệt quan tâm, kiến nghị. Cử tri Dương Văn Long (tổ 1, phường An Tân) bức xúc: “Vấn nạn hôi thối, ô nhiễm từ các khu chăn nuôi của một số hộ dân đã kéo dài nhiều năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh. Dù chúng tôi đã nhiều lần ý kiến nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Chúng tôi mong muốn địa phương khẩn trương xử lý những trường hợp này”.

Giải đáp, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trao tặng 45 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Chư Prông, Kông Chro và Đức Cơ.

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo các sở, ngành và UBND các địa phương đã giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Về kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông liên quan đến việc thi công tỉnh lộ 663 chậm tiến độ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Dự án này do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Sau hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan sẽ đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư, chúng tôi xin tiếp thu và trả lời bằng văn bản trong thời gian tới để cử tri biết”. Cũng liên quan đến dự án thi công tỉnh lộ 663, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng thông tin thêm: “Dự án hiện đang trong quá trình thi công nên hệ thống thoát nước cũng chưa hoàn thiện. Sở sẽ tiếp thu và đề nghị đơn vị chủ đầu tư triển khai thi công hoàn thiện hệ thống thoát nước, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sở cũng tiếp thu các ý kiến của cử tri và sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành kiểm tra, có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên đường quốc lộ 14, 19 và tỉnh lộ 663”.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trần Dung

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trần Dung

Trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng đường giao thông nông thôn xuống cấp nghiêm trọng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Vũ Đình Hạnh cho hay: Hiện nay, chủ trương làm đường giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhận được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn lực của huyện còn hạn hẹp. Đồng thời, huyện cũng mong khi địa phương bố trí được nguồn vốn thì nhận được sự đồng lòng, chung sức của người dân. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Đinh Văn Súy nêu rõ: “Với mong muốn để người dân thuận tiện, an toàn trong lưu thông, vận chuyển nông sản, huyện cũng đã kiến nghị lên các cấp nhưng hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn. Mong cử tri và bà con đồng lòng chia sẻ”.

Với vấn đề ô nhiễm môi trường mà cử tri Dương Văn Long kiến nghị, Chủ tịch UBND phường Tân An Trần Xuân Kiến thông tin: “Bên cạnh giá trị kinh tế thì hoạt động chăn nuôi cũng đã có những tác động xấu đến môi trường khi tình trạng xả chất thải trực tiếp ra môi trường, thiếu biện pháp xử lý phù hợp chưa được kiểm soát. Đối với các hộ dân chăn nuôi gây ô nhiễm, phường đã xuống xử lý và tiến hành phạt hành chính. Các hộ chăn nuôi này đã thực hiện giảm đàn và làm công trình hầm ủ biogas, xử lý nước thải. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động của các khu chăn nuôi này”.

Ông Dương Văn Long (cử tri tổ 1, phường An Tân) nêu ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ảnh: Trần Dung

Ông Dương Văn Long (cử tri tổ 1, phường An Tân) nêu ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ảnh: Trần Dung

Tại các buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá rất cao ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp chuyển đến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sắp tới để có ý kiến trả lời xác đáng cho cử tri.

Kết luận tại các buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cơ bản thống nhất với các ý kiến trả lời, giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Ngoài ra, toàn bộ nội dung liên quan đến nhà máy chè (đất đai, điện gió…) của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, đoàn ghi nhận và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, làm việc với Công ty để giải quyết thấu đáo. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ giám sát quá trình giải quyết theo tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Quang cảnh tiếp xúc cử tri tại phường An Tân, thị xã An Khê. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh tiếp xúc cử tri tại phường An Tân, thị xã An Khê. Ảnh: Trần Dung

Ngoài ra, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm gặp gỡ, trao đổi, giải quyết những tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng trường hợp. Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đồng hành với các Sở: Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội… để giải quyết các vấn đề về chính sách thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, trong bối cảnh đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thì rất cần sự đồng lòng chia sẻ của người dân. Chúng ta cần đoàn kết, tập trung dân chủ, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội nước ta nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng ngày càng phát triển giàu mạnh.

Có thể bạn quan tâm