TN - Đất & Người

Trường Quân chính B3: Ký ức không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dẫu thời gian gắn bó chỉ hơn 2 năm (1973-1975) song với những cựu giáo viên, học viên Tiểu đoàn 2 thuộc Trường Quân chính B3, đó là những năm tháng vô cùng tự hào. Vì những năm tháng ấy, ở ngôi trường này, họ đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành rất nhiều.
Tháng 6-1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định thành lập một ngôi trường đào tạo thanh-thiếu niên các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Gia Lai, Đak Lak, Kon Tum và Việt kiều Campuchia. Trường ban đầu có tên gọi Trường Thiếu nhi Tây Nguyên, rồi đổi thành Trường Văn hóa Thanh thiếu nhi Tây Nguyên và sau này là Tiểu đoàn 2 thuộc Trường Quân chính B3. Ông Nguyễn Văn Tư-cựu giáo viên Trường Quân chính B3, hiện là Trưởng ban Liên lạc Trường Quân chính B3 khu vực Tây Nguyên-nhớ lại: “Học viên lúc đó khoảng 700 người thuộc đủ mọi lứa tuổi, với nhiều dân tộc khác nhau và đều lần đầu xa gia đình, người thân. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ, giao liên, từng đoàn giáo viên, học viên cứ thế băng rừng, lội suối trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa mưa cũng như bom đạn ác liệt của chiến trường Tây Nguyên để đến nơi tập trung an toàn. Đó là mái trường đơn sơ dưới tán rừng già Kơ Poong trên đất bạn Campuchia”.
 Cựu thầy-trò trường Quân chính B3 ngày họp mặt (ảnh do Ban liên lạc cung cấp).
Cựu thầy-trò trường Quân chính B3 ngày họp mặt (ảnh do Ban liên lạc cung cấp).
Những ngày đầu, mọi thứ vừa bỡ ngỡ, vừa thiếu thốn nhưng tất cả thầy trò đều “đồng cam cộng khổ”, cùng nhau lên rừng chặt tre, chặt nứa về dựng nhà; hái rau rừng, măng le về cải thiện bữa ăn trong lúc thiếu gạo, thiếu muối... Vào những lúc thiếu giấy, bút, phấn viết, thầy trò lại cùng nhau khắc phục bằng cách dùng những mẩu mì khô, vỏ cây rừng thay thế để ngày ngày tiếng ê a học bài vẫn râm ran dưới tán rừng. Bà Hồ Thị Chiêu-cựu học viên nhà trường, hiện là Phó Trưởng ban Liên lạc Trường Quân chính B3 khu vực Tây Nguyên-nhớ lại: “Mỗi khi lên rừng hái rau hoặc đi gùi gạo, chúng tôi đều được các thầy dặn dò rất kỹ, dù có khát nước đến đâu cũng không được uống nước sông, nước suối vì có thể có độc. Vì vậy, trong trường hợp quá khát nước, chúng tôi tìm chặt cây giang để lấy từng giọt nước trong đó hoặc nhai củ mì non...”. Hơn 2 năm gắn bó dưới mái trường là khoảng thời gian không dài nhưng với cô bé tuổi 13 Hồ Thị Chiêu thì đây là những năm tháng vô cùng ý nghĩa và không thể nào quên. Ở nơi đó, cô đã được rèn luyện, trang bị những kiến thức, bài học bổ ích để trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống cũng như công việc sau này. “Gian nan, vất vả không thể kể hết, thậm chí ai cũng bị mẩn ngứa, phải đun vỏ cây bằng lăng để tắm triền miên, nhưng bù lại chúng tôi luôn được các thầy quan tâm, chăm sóc. Các thầy như người cha, người anh trong gia đình. Tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được học tập dưới mái trường Quân chính B3”-bà Chiêu bộc bạch.
Không riêng bà Chiêu mà hầu hết các học viên đều cảm thấy tự hào khi nhớ về những ngày tháng học tập, rèn luyện ở Trường Quân chính B3. Theo bà Trần Thị Huệ-cựu học viên của trường, hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Kla (huyện Đức Cơ), ngôi trường chính là điểm tựa để 2 chị em bà vượt qua khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống. “Lúc đó, tôi mới 4 tuổi, còn chị gái 12 tuổi và cha mẹ đều đã chết. Vì vậy, khi địa phương đưa đi học, chị gái tôi đã không đắn đo và cứ thế dắt tôi theo. Ở đó, các thầy như những người cha quan tâm, chăm sóc chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ”-bà Huệ trải lòng.  
Tháng 4-1974, một số học viên lớn tuổi của trường được cử ra miền Bắc học tập, một số chuyển sang lớp đào tạo cán bộ chỉ huy, số còn lại được chuyển về khu vực ngã ba biên giới (nay thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) để tiếp tục học tập. Sau ngày giải phóng miền Nam, trường được chuyển về TP. Pleiku. Đến tháng 8-1975, tất cả học viên của trường được chuyển giao về lại các tỉnh để tiếp tục học tập, góp phần xây dựng địa phương theo lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. “Số học viên nhỏ tuổi và có nhu cầu tiếp tục học tập được chuyển qua Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường nuôi dạy con em liệt sĩ; một số được cử đi học bồi dưỡng chính trị, chuyên môn; một số tham gia vào lực lượng vũ trang và vào các cơ quan, đơn vị”-ông Tư cho hay.
...46 năm đã trôi qua, những “hạt giống đỏ” từ Trường Quân chính B3 ngày nào đã có không ít người thành đạt và ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Có người là Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ quản lý các sở, ngành; có người là sĩ quan Quân đội, Công an, doanh nhân... Và với mong muốn gắn kết những người từng công tác, học tập dưới mái trường Quân chính B3 để động viên, chia sẻ, khích lệ nhau trong công việc, cuộc sống, năm 2014, Ban Liên lạc Trường Quân chính B3 khu vực Tây Nguyên đã được thành lập. “Ban Liên lạc thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên nhau những lúc đau ốm, khó khăn, hoạn nạn và cũng đã hỗ trợ kinh phí để 1 hội viên khó khăn có thêm điều kiện sửa chữa nhà ở”-ông Tư cho biết. Cũng theo Trưởng ban Liên lạc Trường Quân chính B3 khu vực Tây Nguyên, đến nay, Ban Liên lạc đã gắn kết được 216 hội viên đang sinh sống, công tác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; xác nhận thành tích kháng chiến cho 112 người và có nhiều hội viên được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh Việt Nam; có 209 người đã được tặng kỷ niệm chương “Chiến trường Tây Nguyên”.
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm