TN - Đất & Người

"Trường Sơn Tây anh đi…"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong khi đường Trường Sơn Đông băng suốt dọc sườn Đông Tây Nguyên thì quốc lộ 14C cũng chạy suốt chiều dài phía Tây của khu vực này. Do vậy, để đối xứng, có người gọi quốc lộ 14C là đường... Trường Sơn Tây.
Quốc lộ 14C đóng Km 0 tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), nơi giữa nó với đường Hồ Chí Minh chạy tuyến Bắc-Nam và đường 40 chạy về ngã ba Đông Dương tạo thành ngã tư Plei Kần. Thời đánh Mỹ, cung đường này nằm trong “hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh”, đoạn phía Bắc đi trên đất Lào, ở phía Tây, nên gọi là đường Tây Trường Sơn; khi đến vùng tam biên thì đường được mở tạt sang Đông, vào đất Việt Nam để đi tiếp vào chiến trường miền Đông Nam bộ, gọi là đường Đông Trường Sơn. Điểm tiếp giáp Tây-Đông ấy ngày nay được xác định tại ngã tư Plei Kần. Trên bia chứng tích cắm tại đây có ghi: “Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, đoạn Ngọc Hồi-Lộc Ninh…”.
 Quốc lộ 14C đóng Km 0 tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
Quốc lộ 14C đóng Km 0 tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
Sau chiến tranh, phần đường Tây Trường Sơn (chạy bên đất Lào) không còn sử dụng, chỉ còn phần đường còn lại, được nắn sửa, ráp nối, nâng cấp, nhưng về cơ bản vẫn theo tuyến cũ, thành con đường liên tỉnh 14C. Như vậy, quốc lộ 14C là chứng tích lịch sử của thời kháng chiến chưa xa.
Một số tư liệu cho biết, quốc lộ 14C có chiều dài chừng trên 350 cây số, chạy suốt hành lang phía Tây 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak và Đak Nông, điểm cuối ở địa đầu tỉnh Bình Phước. Xin ghi lại vài trải nghiệm trên đoạn ngang qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, vào thời điểm giữa năm 2018.
Ở đoạn này, chỉ 12 km đầu tiên trải nhựa, từ km 12 đến km 72 chỉ lởm chởm đá dăm trên mặt đường đã được thiết kế ra vẻ “quy mô” với đầy đủ mọi hạng mục theo tiêu chuẩn đường miền núi, nhưng chưa thảm nhựa. Ra khỏi km 12 thì đường chỉ có… đá và rừng! Rừng phủ che y như thời… đường mòn kháng chiến!
Phải nói ngay rằng, với mặt đường như vậy, giữa hun hút vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray quạnh vắng, ai không có chút “máu” phiêu lưu khám phá hoặc không có việc thiết cốt thì… có mướn cũng chịu! (dĩ nhiên không kể bà con sinh sống quanh địa bàn buộc phải sử dụng hàng ngày). Chúng tôi phải mất 6 tiếng đồng hồ mới thoát khỏi 60 cây số đường đá dăm này! Chỉ đến khoảng từ km 44 đến km 54 mới gặp được trung tâm xã Mo Rai và vài làng nhỏ, trong đó có làng Le của đồng bào Rơ Mâm (một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam-dưới 500 nhân khẩu).
Như đã nói, mãi đến km 72 đường mới được trải nhựa để vào khu vực trung tâm huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum). Đi tiếp, đến quá km 106 là qua cầu Sê San vào địa phận xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Đến đây, khách lữ hành có thể nghỉ chân tham quan lòng hồ Thủy điện Sê San 4, nơi mở ra một vùng sinh thái đẹp như tranh thủy mặc trải rộng mênh mang giữa núi non 2 tỉnh.
Quá cầu Sê San 10 cây số, tại km 116 đường 14C gặp điểm giao với tỉnh lộ 664 đi về TP. Pleiku. Đến Km 122 thì hết đường nhựa, vào đường đất cấp phối đỏ au, gặp ngày mưa, mặt đường láng như thoa mỡ! Nếu ở đoạn đường đá dăm phía Kon Tum người đi phải kềm chặt tay cho xe máy bớt quăng quật từ những xóc nảy rêm người thì ở đoạn Gia Lai này cũng phải chắc tay lái kẻo xe sẽ… mặc sức trượt dài! Một mạch đường đất đỏ trơn tuột như thế kéo dài cho đến hết địa phận Gia Lai, trừ một vài đoạn có trải nhựa ngắn ngủi. Tưởng tượng nếu đi vào mùa khô thì chắc chắn là lầm bụi đỏ!
Đến km 143, đường 14C giao nhau với quốc lộ 19 (tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai). Ở điểm giao này, các tấm biển báo ghi: đi Cửa khẩu Lệ Thanh 8 km, về Pleiku 67 km, đến Sa Thầy 143 km. Theo chúng tôi, đúng ra phải ghi “Plei Kần” (là nơi đặt km 0) thay vì “Sa Thầy”. Có lẽ do quen theo cách gọi thời kháng chiến toàn bộ vùng tam biên lúc bấy giờ đều thuộc Sa Thầy! Tại đây 2 đường nhập vào nhau 1 cây số, rồi đường 14C tách về hướng Nam, biển báo ghi cách Ea HLôp 53 km. Đoạn này đường trải nhựa, đến km 158 thì trở lại đường đất đỏ.
Đến km 159 gặp cầu dài Ia Kreng ranh giới 2 huyện Đức Cơ và Chư Prông. Từ đây đường vào vùng rừng khộp thưa vắng. Đến km 165+500 gặp cầu Ia Drăng qua suối Ia Drăng. Được biết, đây chính là con suối Ea Hleo bên phía huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak), sau khi chảy qua cầu 110 cắt ngang đường 14 sang đất Chư Prông thì mang tên Ia Drăng. Cái địa danh này gợi nhớ “thung lũng Ia Drăng” (chắc gần đâu đây) với trận đánh lịch sử năm 1965-trận đầu tiên trực tiếp đụng Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên-đã được viết lại trong các sách lịch sử quân sự và các hồi ký của cựu binh, tướng lĩnh. Từ đây, đường đi mênh mông rừng khộp và cây cỏ le, những loài cây cỏ rất đặc trưng của vùng biên giới Việt Nam-Campuchia mà bạn đọc thường gặp trong các bài viết, hồi ký của các cựu binh thời kháng chiến. Dọc đường chỉ gặp lưa thưa vài nông trường cao su, vài đơn vị biên phòng, vài xóm dân cư thưa thớt ẩn mình trong bóng rừng tiêu sơ hoang vắng.
Sau 4 tiếng đồng hồ “làm xiếc” với gần 60 cây số đường đất đỏ đổ mỡ ngày mưa thì vào đoạn bê tông láng đẹp ở km 193. Tầm mắt đang quen với rừng hoang che chắn bỗng bất ngờ bừng ra một cánh đồng thoáng đãng của làng Ring dài dọc 2 bên đường bê tông đến tận bờ sông Ea HLôp. Quá Km 198 gặp cầu Ea HLôp, là ranh giới giữa Gia Lai với huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak. (Không rõ vì sao cột cây số đến đây là km 198 mà biển báo ở đầu cầu Ea Hlôp lại ghi là km 202). Từ đây, quốc lộ 14C-”đường Trường Sơn Tây”-còn tiếp tục ngang qua các tỉnh Đak Lak, Đak Nông nữa. Nhưng, như đã thưa, xin dừng lại ở cầu Ea HLôp để nghỉ chân và hỏi chuyện các hộ gia đình Làng Thanh niên lập nghiệp nơi đây.
Dĩ nhiên rồi đây đường 14C sẽ được nâng cấp. Và khi ấy, ngoài ý nghĩa chiến lược, nó còn phục vụ dân sinh quanh vùng và sự giao thương ở khu vực phía Tây Tây Nguyên thông với tuyến Bắc-Nam (bắt vào đường Hồ Chí Minh) sẽ rất thuận lợi.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm