Giáo dục

Trút giận vào đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Hà Nội vừa xuất hiện một dịch vụ mới lạ được nhiều người tìm đến, nhất là giới trẻ, đó là “dịch vụ trút giận”. Dịch vụ này cho phép người đăng ký được tự do đập phá nhiều thứ để giải tỏa cơn giận nhất thời.
Ảnh: Internet

1. “Dịch vụ trút giận” xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản cách đây khoảng 16 năm, sau đó lan ra một số nước. Khi tham gia, người chơi được cung cấp quần áo bảo hộ cùng dụng cụ để đập vỡ chai lọ, đồ điện tử hư cũ trong môi trường an toàn và được giám sát. Người chơi còn có thể tự do la hét, vẽ tùy thích lên tường, không sợ phải… nộp phạt, sau đó ra về với một tâm trạng cân bằng, thoải mái hơn. Chi phí cho 1 lần “tiễn” cơn giận lên đường là 300 ngàn đồng/60 phút.

Tức giận là trạng thái cảm xúc mạnh xuất hiện khi ai đó cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương hoặc rơi vào trạng thái thất vọng. Đây là phản ứng hết sức tự nhiên trước những tình huống gây căng thẳng. Theo y khoa, nếu không được giải tỏa, cơn giận có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể như não bộ, tim, phổi, gan, dạ dày… Nhưng, một khi cơn giận bùng lên thiếu sự kiểm soát thì hậu quả cũng rất lớn, có thể dẫn đến những hành động, lời nói, quyết định khiến ta có thể hối hận hoặc gây tổn thương đến những người xung quanh.

Do vậy, có thể thấy “dịch vụ trút giận” là cách giải tỏa cơn giận tức thời khá hiệu quả, nhanh chóng. Song, bên cạnh mặt tích cực, đã có một số lo ngại lựa chọn cách giải tỏa mang hơi hướng bạo lực này sẽ góp phần hình thành phản ứng tiêu cực trong cách giải quyết bức xúc cá nhân. Trong khi bạo lực chưa bao giờ là cách hay để giải quyết vấn đề. Cũng có người đặt ra câu hỏi về việc xử lý, thu gom số rác thải không nhỏ tạo ra từ dịch vụ trên, trong đó, mảnh vỡ thủy tinh được xem là rác thải nguy hại.

2. Nhiều người chia sẻ rằng cuộc sống dường như đang ngày càng nặng nề vì nhiều áp lực. Áp lực công việc, thăng tiến, kiếm tiền, cạnh tranh; áp lực chăm sóc nhà cửa, con cái, “giữ lửa” gia đình, quan hệ họ hàng đôi bên… Ngay cả chuyện kẹt xe mỗi ngày trong dòng người đông đúc cũng là một trong vô vàn tình huống gây căng thẳng. Khi stress, có người không kiềm chế được mà đập phá đồ đạc trong nhà, có người chửi chó, mắng mèo hoặc trút giận vào con cái bằng đòn roi, la mắng theo kiểu “giận cá chém thớt”… Vì lẽ đó, cảm xúc chẳng mấy dễ chịu này thường được gọi với cái tên là “cảm xúc tiêu cực”.

Tuy nhiên, kể từ cuộc trò chuyện với một chuyên viên tư vấn tâm lý cách đây ít lâu, tôi đã thôi gọi sự tức giận hay một số cảm xúc bị “gắn nhãn” xấu xí khác là cảm xúc tiêu cực. Chuyên viên này nêu quan điểm: Mọi hỉ, nộ, ái, ố là một phần tất yếu trong cuộc sống con người; chúng đều mang giá trị riêng và cần được nhận diện, chăm sóc. Do vậy, không có cảm xúc nào là tiêu cực. Một khi hiểu rõ điều đó, ta sẽ không chống lại cơn giận mà ngược lại tìm cách kiểm soát, vỗ về, lắng dịu.

“Chăm sóc cơn giận” hay “cẩm nang thịnh nộ” là những cụm từ được sử dụng phổ biến gần đây để giúp mỗi người kiểm soát cảm xúc một cách thông minh. Tiến sĩ Sheri Jacobson-một nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng của Anh-nhận định: “Nhiều tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn bắt nguồn từ những cảm xúc không được thể hiện. Nếu chúng ta không dành không gian cho những cảm xúc này thì sẽ gặp khó khăn về tâm lý. Ngược lại, nếu có thể giải phóng những cảm xúc ấy theo cách an toàn thì chúng ta sẽ xoa dịu được chúng, giống như cách làm dịu đi những vết ngứa để ngăn chúng trở nên khó chịu hơn”.

Theo đó, các chuyên gia tâm lý đã liệt kê, đề xuất một số “giải pháp lành” để giải quyết cơn giận như: tập trung vào hơi thở, thiền để tâm trí lắng lại; im lặng thay vì tranh cãi; chuyển sang hoạt động chăm sóc cây cối, thú cưng… Một số người tìm thấy sự giải tỏa, cân bằng về tâm lý khi xỏ giày chạy bộ hoặc tham gia một số môn thể thao.

Nhưng nói gì chăng nữa thì việc tìm nguyên nhân và giải pháp tích cực để giải quyết nguồn cơn gây ra cơn giận mới là cách xử lý tận gốc. Cùng với đó, hiểu và chấp nhận bản chất cuộc sống như nó vốn có cũng là cách giúp giảm tần suất xuất hiện cơn giận của bản thân để thêm yêu thương và vui sống.

Có thể bạn quan tâm