Nguyễn Huỳnh Đăng giúp sức cho Trần Phương Bình trong việc kinh doanh ngoại hối gây thiệt hại cho DongA Bank 385 tỉ đồng. Sau khi khởi tố, Đăng bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan điều tra quyết định truy nã Đăng, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo dự kiến, ngày 27/11, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Liên quan tới vụ án này, ngày 28/12/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Huỳnh Đăng (nguyên trưởng phòng kinh doanh DongABank) về tội cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi khởi tố, Đăng bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định ra lệnh truy nã đối với bị can Nguyễn Huỳnh Đăng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Bị can Nguyễn Huỳnh Đăng (ảnh nhỏ) đang bị truy nã.Theo nội dung vụ án, Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) biết rõ DongABank không có giấy phép kinh doanh ngoại hối nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới kinh doanh ngoại hối với các ngân hàng nước ngoài. |
Từ năm 2001 đến năm 2005, DongABank đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế.
Trần Phương Bình chỉ đạo trực tiếp phòng kinh doanh DongABank do Nguyễn Huỳnh Đăng - trưởng phòng, Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Thị Kim Loan (là nhân viên Phòng Kinh doanh) thực hiện các giao dịch với ngân hàng UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal). Nội dung lệnh Deal thể hiện việc DongABank mua của ngân hàng UOB loại ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, phải thanh toán cho đối tác những loại tiền gì, số lượng như thế nào.
Hoạt động kinh doanh này kéo dài từ năm 2001 - 2003 diễn ra bình thường. Đến năm 2003 - 2005, việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ theo các lệnh Deal đã đặt. Trần Phương Bình chỉ đạo phòng kinh doanh của DongABank liên hệ, thỏa thuận với ngân hàng UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán số tiền lỗ này bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ. Đề nghị này được ngân hàng UOB chấp thuận vì lý do đang có 15,5 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4,7 triệu USD ký quỹ tại chính ngân hàng UOB.
Để che giấu hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ mặt khống từ ngân hàng UOB với tổng số tiền là 20,9 triệu USD nội dung thể hiện là DongABank đã rút, nhập ngoại tệ mặt đưa tiền vào kho quỹ.
Tương tự Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập, ký và hạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ từ ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sỹ) với số tiền 3 triệu USD.
Việc kinh doanh với ngân hàng UOB và Banca Adamas bị thua lỗ phải sử dụng tiền của DongABank gửi tại các tổ chức tín dụng này để chi trả, nhưng không được hạch toán trên sổ sách theo dõi. Trần Phương Bình đã chỉ đạo Đăng cùng cấp dưới lập các chứng từ khống để bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DongABank 385 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Trần Phương Bình khai nhận, việc kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế không được ngân hàng Nhà nước cho phép. Việc kinh doanh liên tục thua lỗ nên Bình đã chỉ đạo Đăng cho xuất bán 24.993 lượng vàng và 70 tỉ đồng tại kho quỹ hội sở DongABank không có chứng từ để mua 24 triệu USD tại các hiệu vàng trên địa bàn TPHCM nhập quỹ ngoại tệ mặt bù cho các phiếu lập khống ngoại tệ.
Đối với bị can Nguyễn Thị Ái Lan khai không tham gia việc kinh doanh ngoại tệ nêu trên, tuy nhiên theo kết luận giám định của viện khoa học hình sự Bộ Công an về chữ ký trên các chứng từ giao dịch tiền gửi của DongABank tại ngân hàng UOB là chữ ký của Nguyễn Thị Ái Lan.
Xuân Duy (Dân trí)