Theo Chi Cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, đây là khu vực rừng núi, việc đi lại rất hiểm trở, vốn có trữ lượng thiếc khá lớn nằm sâu trong lòng đất. Nhiều năm qua, cứ vào mùa khô, các đối tượng từ địa phương khác kéo tới, đưa máy móc (máy nổ phát điện, bơm nước…) tới để phục vụ việc đào, đãi, khai thác thiếc.
Để khai thác được loại khoáng sản này, “thiếc tặc” thường dùng các phương tiện thủ công đào sâu lòng đất với chiều dài lên tới hàng trăm mét, đồng thời tạo ra những lỗ thông khí sâu hut hút theo chiều thẳng đứng. Mặc dù đã nhiều lần bị lực lượng chức năng truy quét, thu giữ và tiêu hủy các dụng cụ, máy móc và san lấp hầm khai thác thiếc nhưng vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn đổ về vùng rừng núi này lén lút khai thác.
UBND huyện Lạc Dương cũng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND các xã và phòng chức năng của huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, các đối tượng vẫn lén lút đổ về tiểu khu 142, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, nhất là khu vực núi Cao để khai thác thiếc trái phép.
Riêng đợt “đột kích” ngày 14/1 vừa qua, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đã bỏ chạy toán loạn vào rừng râu. Để ngăn chặn “thiếc tặc” quay lại tiếp tục khai thác khoáng sản, lực lượng chức năng đã đánh sập các đường hầm, tiêu hủy hàng loạt thiết bị, máy móc, nhiều lán trại, đồ dùng và quặng thiếc được đựng trong các bao tải...
Theo Khắc Lịch (cand)