Kinh tế

Truy xuất nguồn gốc để nhận diện giá trị sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc được xem là hướng đi cần thiết nhằm minh bạch hóa nguồn gốc và nhận diện giá trị sản phẩm. Hiện nay, hoạt động này đang được các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai từng bước áp dụng, góp phần bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, anh Trần Quốc Tiến (thôn 1, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã dán tem chống hàng giả, sử dụng QR Code để mã hóa thông tin về sản phẩm, vùng trồng, cơ sở sản xuất cho sản phẩm “Thân Coffee” của mình.

Anh Tiến cho hay: Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm xác nhận hàng “chính hãng”, giúp người sử dụng yên tâm khi kiểm tra thông tin sản phẩm.

Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh xuất bán được khoảng 4 tấn cà phê rang xay. Anh Tiến kỳ vọng, với việc truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sẽ tiêu thụ ổn định, được khách hàng tin tưởng và tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài.

“Được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ, đầu năm 2024, sản phẩm “Thân Coffee” đã áp dụng truy xuất nguồn gốc thành công. Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm của mình đi đến đâu cũng không bị lẫn lộn với hàng giả.

Bên cạnh đó, khi khách hàng quét mã QR trên tem sẽ thấy được đầy đủ thông tin như: quy trình, cách sơ chế, đóng gói… Việc này tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm khác”-anh Tiến chia sẻ.

de-tao-niem-tin-cho-nguoi-tieu-dung-anh-tran-quoc-tien-da-su-dung-ma-vach-qr-code-nham-ma-hoa-thong-tin-ve-san-pham-vung-trongcho-san-pham-anh-mai-ka-6614.jpg
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, anh Trần Quốc Tiến (thôn 1, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã sử dụng QR Code mã hóa thông tin sản phẩm. Ảnh: M.K

Tương tự, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) cũng quyết định áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trà tía tô. Với việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm trà tía tô của anh Trường không chỉ có mặt tại Gia Lai mà còn mở rộng tiêu thụ tại Bình Định, Phú Yên, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 2 năm đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng chưa thể nhận diện cũng như nắm bắt rõ quy trình sản xuất của cơ sở. Vì vậy, tháng 2-2024, anh Trường bắt đầu áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

“Cũng tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm, khi người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sẽ biết được thông tin về hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất. Cùng với đó là thông tin về các giai đoạn trồng, chế biến, thời điểm sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường…

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được xem là tất yếu để người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận diện được giá trị sản phẩm; đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Thời gian tới, tôi áp dụng việc truy xuất nguồn gốc đồng bộ đối với các sản phẩm trà thảo mộc của mình”-anh Trường cho hay.

theo-anh-nguyen-vu-phu-truong-ap-dung-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-cung-tuong-tu-nhu-viec-khai-ly-lich-cho-san-pham-anh-mk-7769.jpg
Theo anh Nguyễn Vũ Phú Trường, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Ảnh: M.K

Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Trong đó, mỗi sản phẩm được truy xuất nguồn gốc sẽ mang một mã số định danh duy nhất và thể hiện thông qua việc dán tem có mã QR.

Toàn bộ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống phần mềm. Thông qua tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR và tìm hiểu thông tin về sản phẩm, chứng nhận doanh nghiệp và toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm.

Bà Võ Thị Thùy Ngân-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh-cho biết: Hệ thống truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng trong việc theo dõi và ghi chép chi tiết các giai đoạn sản xuất, xử lý và vận chuyển sản phẩm. Việc này đảm bảo kiểm soát sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn theo quy định.

Trung tâm vừa triển khai 20 hợp đồng tư vấn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: chanh dây của xã Gào (TP. Pleiku); sầu riêng Tân Bình (huyện Đak Đoa); sầu riêng Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh); cà phê xã Chư Á (TP. Pleiku); hồ tiêu xã Nam Yang (huyện Đak Đoa)…

“Đối với cơ quan quản lý nhà nước, truy xuất nguồn gốc chính là công cụ phục vụ công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa. Đây được xem là hướng đi cần thiết, giúp minh bạch hóa nguồn gốc và nhận diện giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm và tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này”-bà Ngân thông tin.

Có thể bạn quan tâm