Sức khỏe

Tin tức

TTK LHQ: Hàng triệu người ở các nước nghèo có thể tử vong vì COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp toàn cầu ứng phó với "thảm họa y tế" đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và hơn 217.500 người lây nhiễm trên toàn thế giới...

 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 10/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 10/3. (Ảnh: THX/TTXVN)



Ngày 19/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nếu không có sự kiểm soát kịp thời, hàng triệu người có thể tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại những nước nghèo. Theo đó, ông kêu gọi thế giới phối hợp ứng phó với đại dịch.

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp toàn cầu ứng phó với "thảm họa y tế" ước tính đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và hơn 217.500 người lây nhiễm trên toàn thế giới.

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, các nước cần ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng, thay vào đó cần minh bạch, phối hợp toàn cầu để giúp đỡ những quốc gia chưa chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng.

Ông nêu rõ: "Đoàn kết toàn cầu không chỉ là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức mà còn vì lợi ích của mọi người".

Tổng Thư ký hối thúc chính phủ các nước ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực đa phương do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu trong công tác chống dịch bệnh.

Về hỗ trợ kinh tế toàn cầu, ông Guterres cho rằng thế giới cần tập trung giúp đỡ những nhóm dễ tổn thương nhất, trong đó có lao động thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và các thể chế tài chính khác đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho những quốc gia đang gặp khó khăn.

Theo ông, các bên cần tránh các biện pháp bảo hộ và đây là thời điểm cần dỡ bỏ hàng rào thương mại, thiết lập lại chuỗi nguồn cung.

Cùng ngày, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 20/3-ngày 31/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, người dân chỉ được ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm và thuốc men. Lực lượng an ninh sẽ chịu trách nhiệm giám sát lệnh phong tỏa.

Theo số liệu của chính phủ, Argentina đã ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 19/3, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên 128 ca, với 3 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 19/3, chính phủ và các đảng phái chính trị tại Chile đã thống nhất lùi thời điểm tổ chức trưng cầu dân ý về việc soạn thảo Hiến pháp mới đến ngày 25/10 tới do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Cuộc trưng cầu ban đầu được dự kiến tiến hành vào ngày 26/4.

Bên cạnh đó, các bên cũng nhất trí lùi thời điểm tổ chức bầu quốc hội lập hiến và bầu cử địa phương đến ngày 25/4/2021.

Việc tổ chức trưng cầu dân ý về soạn thảo Hiến pháp mới được cho là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị xã hội kéo dài từ tháng 10/2019 đến nay ở Chile với các cuộc biểu tình quy mô lớn thường xuyên diễn ra.

Đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình đã khiến hàng nghìn người bị thương và hơn 30 người thiệt mạng.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Bộ Y tế Mexico ngày 19/3 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 46 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 164 người, trong đó có 1 ca tử vong.

Bộ này khẳng định Mexico vẫn trong giai đoạn 1 (cấp độ phòng ngừa), đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Cùng ngày, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo chính phủ liên bang đã chuẩn bị kế hoạch nhằm đối phó trường hợp COVID-19 bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) ở Mexico.

Quân đội Mexico sẽ vào cuộc để triển khai các biện pháp cứu trợ người dân do thảm họa.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, chính quyền nhiều bang của Mexico cũng đã hủy tất cả các hoạt động tập trung đông người, đóng cửa trường học, quán bar và nhà hàng.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đề nghị phía Mỹ không đóng cửa biên giới chung đối với các hoạt động thương mại và lao động như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh nhiều khả năng Mỹ sẽ áp dụng thắt chặt lưu thông ở biên giới phía Nam với Mexico trước tình hình các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở cả hai nước ngày càng tăng.

Tại Brazil, bang Rio de Janeiro thông báo sẽ đóng cửa các bãi biển, nhà hàng, quán rượu trong 15 ngày kể từ ngày 21/3 nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

Thống đốc bang Rio de Janeiro Wilson Witzel cũng tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới trên không, trên bộ và trên biển với các bang khác. Tuy nhiên, biện pháp này cần được sự chấp thuận của chính quyền liên bang.

Cho đến nay, quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này đã ghi nhận 621 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, với 6 ca tử vong.

Theo Đặng Ánh-Hoài Nam-Việt Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm