Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán và có hiệu lực từ 1/7/2024. Một số điều khoản của thông tư có hiệu lực muộn hơn, đáng chú ý là quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 của Thông tư 17 áp dụng với tài khoản thanh toán cá nhân, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (chuyển tiền online) trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức).
Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hoá của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD của chủ tài khoản đã được xác thực chính xác do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Như vậy, kể từ 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký sinh trắc học nếu muốn rút tiền hoặc chuyển tiền online. Đây là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7/2024.
Quy định này nhằm xoá bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, cũng như tăng mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Cần lưu ý rằng, việc đăng ký sinh trắc học với mọi tài khoản không có nghĩa là tất cả mọi giao dịch đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Các giao dịch bắt buộc phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền vẫn được áp dụng theo quy định tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư 17 cũng quy định chi tiết trách nhiệm của ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Các ngân hàng có trách nhiệm theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tuỳ thân của khách hàng, thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tuỳ thân; tạm ngừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tuỳ thân của khách hàng hết thời hạn sử dụng…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu tháng 7/2024, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh; số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.
Theo Ngọc Mai (TPO)